Ngày 16.11.2015, Tập đoàn kinh doanh khách sạn Marriott International (Mỹ) thông báo đã mua đối thủ Starwood - đơn vị sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như Westin hay Sheraton với giá 12,2 tỷ USD.
Sau thương vụ này, Marriott trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới với hơn 1 triệu phòng, nhiều hơn khoảng 50% so với đối thủ nặng ký nhất Hilton.
Nhắc đến thành công của Marriott, không thể không kể đến công lao của người sáng lập John Willard Marriott.
Với phong cách làm việc chăm chỉ, sống trong sạch và đôi khi bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo, John Willard Marriott đã nỗ lực xây dựng thành công đế chế khách sạn danh tiếng thế giới.
John Willard Marriott
Bươn chải sớm
Giống nhiều doanh nhân đời đầu của thế kỷ 20, Marriott sinh ra trong cảnh nghèo đói và phải sớm bươn chải kiếm sống.
Năm 8 tuổi, Marriot đã bắt đầu theo cha đi chăn cừu. Năm 14 tuổi, Marriot được cha giao phó cho công việc đưa đàn cừu từ Utah đến các thành phố xa xôi như San Francisco and Omaha.
"Cha tôi đã hướng dẫn tôi bước vào công việc từ rất sớm. Ông không nói nhiều về cách làm mà để tôi tự tìm ra phương hướng cho bản thân", Marriott từng chia sẻ.
Khi 19 tuổi, Marriott rời nhà để đi truyền giáo. Trong vòng 2 năm, Marriott lang thang đến New England và cuối cùng kết thúc tại Washington, DC.
Trở về Utah, Marriott phát hiện cha của mình, và hầu hết những người chăn nuôi cừu khác đã bị phá sản do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế.
Chứng kiến cảnh nghèo đói, Marriott khao khát xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Vì vậy chàng trai Marriott - người chưa từng tốt nghiệp trung học, quyết định phải tiếp tục con đường học vấn.
Marriott đến Weber State College, một trường cao đẳng cộng đồng mới được thành lập tại Ogden. Marriott thỏa thuận với thầy hiệu trưởng ( người từng dạy học Marriott năm lớp 7) rằng ông sẽ trả tiền học phí bằng cách dạy lớp Thần học.
Sau 2 năm tại Weber, Marriott thấy rằng đây là thời điểm thích hợp để chuyển sang học tại ĐH Utah. Để kiếm được tiền đóng học phí, ông đã làm công việc bán đồ lót len cho những người thợ xẻ gỗ.
Khi Marriott đang theo học tại ngôi trường này, chuỗi cửa hàng bia A&W được mở tại thành phố Salt Lake. Ấn tượng bởi thành công của nó, cộng với kinh nghiệm thời đi truyền giáo của mình, Marriott đã mua nhượng quyền thương hiệu A&W.
Cửa hàng Hot Shoppe đầu tiên
Với 1.500 USD tiền tiết kiệm và vay thêm 1.500 USD, Marriott mở cửa hàng bán bia nhỏ ở Washington, DC vào năm 1927.
Mùa hè năm đó, quán bia của Marriott làm ăn rất phát đạt. Tuy nhiên, đến mùa đông, doanh số lại rất tệ. Nhận thấy công việc kinh doanh của mình có tính chất mùa vụ, Marriott đã xin phép A&W phục vụ thêm đồ ăn và cửa hàng Hot Shoppe đầu tiên ra đời.
Với những chiến lược như quảng cáo bằng cách phát phiếu uống bia miễn phí; tập trung vào bán đồ ăn với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, Marriott đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Khi đã đạt được những thành công ban đầu, Marriott lại tiếp tục nghĩ ra những hình thức kinh doanh mới mẻ hơn. Ông mua một lô đất trống bên cạnh cửa hàng Hot Shoppe và triển khai dịch vụ bán hàng theo kiểu "drive-in" (lái xe không phải xuống xe, mà chỉ kéo cửa xe xuống, đặt và lấy đồ ăn ngay tại chỗ).
Cho tới năm 1932, Marriott đã sở hữu chuỗi 7 cửa hàng phục vụ đồ ăn và nước giải khát với những thực đơn hoàn toàn đặc biệt, giúp ông kiếm được gần 1 triệu USD.
Thành công dường như có sự kết nối với hành động. Những người thành công luôn tiến lên phía trước. Họ có thể mắc sai lầm, nhưng họ không bao giờ từ bỏ - J. Willard Marriott
Vượt lên số phận
Năm 1935, Marriott được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư ác tính và chỉ có thể sống từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, ông không buông xuôi mà vẫn tiếp tục làm việc và mở rộng hoạt động kinh doanh. Và thực tế là, Marriott sau đó đã sống được thêm 50 năm nữa.
Cửa hàng Hot Shoppe thứ 8 của Marriott nằm cạnh sân bay và ông thấy rằng, nhiều người thường tới mua đồ ăn cho bữa trưa trên máy bay. Chính phát hiện đó đã khiến Marriott lóe lên ý tưởng bán đồ ăn sẵn cho các hãng hàng không vào năm 1937.
Chẳng bao lâu sau, Marriott đã là nhà cung cấp đồ ăn cho hơn 20 chuyến bay ngược xuôi hàng ngày tại sân bay đó.
Đến năm 1953, Marriott là ông chủ của 56 nhà hàng, phục vụ 30 triệu khách mỗi năm.
Dù được chẩn đoán chỉ sống được 1 năm, Marriott vẫn xây dựng thành công đế chế khách sạn
Marriott qua đời năm 1985 vì bệnh tim. Tại thời điểm đó, công ty do ông thành lập đã trở thành tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới - sở hữu hơn 1.400 nhà hàng, 143 khách sạn và các khu nghỉ dưỡng trên toàn thế giới. Doanh thu lớn nhất mà Marriott từng gây dựng được đạt mức 4,5 tỷ USD.
Trong suốt cuộc đời, Marriott hiếm khi nghỉ ngơi. Cho dù là mở thêm địa điểm, hoàn thiện thủ tục hay tiến hành các hình thức kinh doanh mới, Marriott luôn sống, thở, ăn và ngủ với công việc của mình.
Ngay cả khi giao lại vị trí CEO cho người con trai cả vào năm 1972, Marriott cũng không cho phép ông nghỉ hưu. Ông dành thời gian đến thăm những cơ sở của Tập đoàn tại những vùng xa xôi. Marriott cũng không quên chăm lo đến đời sống của nhân viên trong công ty. Với doanh nhân này, con người chính là bí quyết thành công.
"Hãy hết lòng với nhân viên của bạn, và họ sẽ hết lòng với khách hàng của công ty.", lời khuyên của Marriott đến các nhà quản lý giờ đã trở thành yếu then chốt trong văn hóa của Tập đoàn này.