Rau tự trồng, gà tự nuôi
Ngôi nhà của GS.TS Nguyễn Vy nằm bên con phố Mai Động. Phố đông nhộn nhịp, hàng quán nối đuôi nhau kéo dài liên tiếp, dường như không thiếu bất cứ thứ gì.
Tôi tới nhà giáo sư vào một chiều cuối tuần, không khí buôn bán tại những cửa hàng lân cận lại càng trở nên tấp nập hơn. Thế nhưng, phía sau cánh cửa nhà ông dường như là một thế giới khác, giản dị, ấm cúng và yên tĩnh.
Lúc tôi đến, nhà giáo sư còn có hai vị khách khác là hai lãnh đạo một doanh nghiệp nông nghiệp. Trên bàn khách là hai đĩa cam đã bổ, giáo sư Vy giới thiệu, đây là cam được người nhà trong Nghệ An đưa ra.
Ông nói: “Xung quanh nhà thứ gì cũng có, nhưng nhiều loại hoa quả, thực phẩm… thú thực nhà tôi không dám mua về ăn”.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vy và vườn rau tự trồng trên sân thượng.
Vị giáo sư già thở dài, “bây giờ thực phẩm bẩn, thức ăn độc hại nhiều quá, tràn ngập thị trường”. Hoa quả thì bị ngâm trong chất cấm, thịt gia súc, gia cầm có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép… Thế nên mới xảy ra tình trạng, sống giữa Thủ đô thứ gì cũng có nhưng vẫn thiếu thốn thức ăn sạch.
“Cơ quan quản lý đưa ra một thứ khái niệm mà tôi cho là không thể chấp nhận được. Người ta nói mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông thái! Người tiêu dùng khi cần thì ra chợ mua hàng hóa, họ chỉ biết là hàng tươi, sống chứ làm sao phân biệt được mớ rau, mớ thịt nào chứa chất độc hại nào trong đó? Người tiêu dùng làm gì có chuyên môn mà bắt họ phải thông thái!”, Giáo sư Nguyễn Vy bức xúc.
Theo ông, đưa ra khái niệm này cho thấy sự tắc trách của cơ quan quản lý, bởi đảm bảo một thị trường lành mạnh là nhiệm vụ của cơ quan quản lý chứ không thể đẩy trách nhiệm sang người tiêu dùng.
Ông đặt vấn đề, “hẳn là phải như ông Vy đây mới là người tiêu dùng thông thái: rau tự trồng, gà tự nuôi, đừng ra chợ nữa!”, nhà khoa học 83 tuổi bật cười, không giấu nổi nỗi ngao ngán.
Để dẫn chứng cho câu nói của mình, Giáo sư Vy liền đưa phóng viên tham quan “công trình” của mình: Một chuồng gà được đặt ngay góc sân, một chuồng gà khác được nuôi trên sân thượng. Bên cạnh đó là vô số các thùng xốp trồng đủ các loại rau xanh, đậu, quất… phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày.
“Nếu có điều kiện, có thời gian, sức khỏe thì nên tự cung tự cấp, tự bảo vệ lấy sức khỏe của mình”, ông khuyên.
Đừng bắt người tiêu dùng buộc phải trở nên thông thái!
Phóng viên đặt câu hỏi: “Hơn 60% dân số Việt Nam làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn là một đất nước nông nghiệp. Vì sao người tiêu dùng Việt vẫn phải chật vật đến thế khi tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch? Lỗi này thuộc về ai?”. Vị giáo sư cho rằng, trách nhiệm thuộc về nhiều bên, trong đó, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước.
“Nhẽ ra, cơ quan chức năng phải có những máy kiểm tra, kiểm định thực phẩm ngay tại chỗ. Cũng không phải là phát hiện ra vi phạm rồi chỉ phạt vài triệu đồng, mà phải truy tố trước pháp luật! Pháo nổ vứt vào mặt người tiêu dùng như thế mà chỉ tịch thu, phạt hành chính thì không được!”, ông Vy nói.
Gia đình GS Nguyễn Vy nuôi gà trên sân thượng.
Về những người sản xuất (nông dân) và tiểu thương buôn bán, việc đưa chất cấm, chất độc hại vào nuôi trồng, bảo quản thực phẩm, theo ông, một phần xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, một phần nữa là do chạy theo lợi nhuận, lòng tham không có giới hạn.
Bàn về điều này, chị Hằng (Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm nông nghiệp) cho rằng, mặt xấu của con người là lòng tham. Việc sử dụng những chất kích thích để rau quả lớn nhanh, cuối cùng cũng vì lợi nhuận kinh tế, nhưng “suy cho cùng cũng vì người nông dân quá khổ!”, vị doanh nhân nhìn nhận.
Chị Hằng cho rằng, nếu để những người nông dân, tiểu thương tự ý thức về bản thân mình thì rất khó, do đó, ở đây cần vai trò của luật pháp để khống chế những hành vi xấu.
Lấy ví dụ về thị trường thuốc bảo vệ thực vật, chị Hằng cho rằng, việc quản lý thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu như không cho phép bán các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật độc hại, khi bắt được thì phải tiêu hủy…thì nông dân muốn mua cũng không có mà mua.
“Lòng tham luôn thường trực nên nói là người nông dân thiếu hiểu biết cũng không hẳn. Ai cũng biết rằng thuốc trừ sâu là độc hại, nhưng họ sẵn sàng cuốn vào trong cây bắp cải để bắp thật uốn và thật nặng để kiếm tiền nhanh nhất và nhiều nhất trên mảnh ruộng của mình. Họ vẫn làm vì không có sự quản lý!”, nữ doanh nhân phân tích.
Do đó, theo chị Hằng, để ngăn chặn điều này, phải nâng tính răn đe của luật pháp, và bản thân cơ quan nhà nước phải nghiêm túc thực thi đúng trách nhiệm, bổn phận của mình, không để xảy ra tình trạng bảo kê, tiêu cực, tắc trách trong quản lý. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm phân bón chất lượng, hiệu quả, phù hợp về giá cả để triệt tiêu động cơ dùng chất cấm, tăng vòng quay lợi nhuận của người nông dân và thương nhân.
“Đừng trách nông dân vội, mà hãy nhìn lại hệ thống pháp luật liệu đã kín kẽ, đủ mạnh, nhìn lại trách nhiệm thực thi pháp luật của cơ quan quản lý liệu đã nghiêm minh hay chưa”, chị Hằng nhận xét.
Đến đây, Giáo sư Nguyễn Vy cho rằng, “về nguyên tắc không có gì là không làm được, không giải quyết được. Vấn đề là có chịu làm, có quyết tâm làm đến cùng vì quyền lợi người dân hay không mà thôi!”.
Giáo sư Nguyễn Vy thuộc thế hệ nhà khoa học lão làng của nền nông nghiệp Việt Nam, là bậc thầy đào tạo nên rất nhiều nhà khoa học cũng như các lãnh đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ông nguyên là Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng, Nông hóa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hiện nay, mặc dù đã nghỉ hưu song ông vẫn cùng đồng nghiệp nghiên cứu nâng cao trình độ phì nhiêu thực tế của đất với mục tiêu tăng năng suất và chất lượng nông sản, cải tạo và sử dụng đất hoang hoá, xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất, hợp tác với các công ty trong và ngoài nước sản xuất các nông sản chiến lược có giá trị nhằm nâng cao thu nhập của bà con nông dân. |