Thông tin từ Sở Tài chính TP.HCM cho biết, tính đến giữa tháng 1, đã có hơn 55 đơn vị vận tải thực hiện kê khai giá đối với vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định. Đến nay, 100% đơn vị đã thực hiện kê khai giá đợt 1 và hơn 20 đơn vị đã thực hiện kê khai giá đợt 2 với tổng mức giảm là 3-7,9%. Còn đối với vận tải hành khách bằng taxi, trong thời gian qua đã có 20 đơn vị thực hiện kê khai giá, nhưng 6 đơn vị đã ngưng hoạt động. Còn lại đa số các đơn vị kê khai giảm giá cước với mức phổ biến từ 300 – 500 đồng/km (tương đương 2,2 - 6%).
Người dân vẫn phải chịu giá cước vận tải cao khi một số doanh nghiệp không chịu giảm giá. Ảnh chụp tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội. Ảnh: LHT
Ông Nguyễn Văn Chánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, giá cước vận tải hàng hóa tại thành phố giảm, nhưng do không niêm yết như giá vận tải tuyến cố định mà giảm trong đơn giá hợp đồng nên ít người nhận ra. Còn mức giảm thì do các doanh nghiệp vận tải tự thỏa thuận với chủ hàng.
Còn tại Hà Nội, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cho biết, khi giá nhiên liệu giảm, trên địa bàn thành phố đã có 83 doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai giảm giá từ 1,8- 1,2%. Từ 1.8.2015 đến nay đã có 29 đơn vị vận tải container đăng ký giá cước lần đầu, 6 đơn vị giảm giá từ 4 - 6,8%.
Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội cũng cho rằng hiện đang có sự không công bằng giữa những doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm với các doanh nghiệp còn trễ kê khai giảm giá.
Nói về tính minh bạch trong việc kê khai giá cước vận tải, một chuyên gia lĩnh vực vận tải cho rằng nhiều cuộc kiểm tra đã được Bộ GTVT hay các địa phương thực hiện, nhưng chưa có lần nào nêu danh tính các doanh nghiệp vận tải chây ỳ không chịu giảm giá cước.
Ông Liên cũng cho biết hiện Hiệp hội đã có công văn gửi các doanh nghiệp vận tải đề nghị sắp tới dự kiến giá xăng giảm xuống 15.000 đồng/lít, giá dầu giảm 11.000 đồng/lít, tất cả các đơn vị kê khai lại giá cước giảm theo giá xăng dầu.