Tăng giá 1.887 dịch vụ
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, từ 1.3, 1.887 dịch vụ y tế sẽ đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, giai đoạn này mới cộng thêm tiền phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá dịch vụ nên vẫn chưa có sự thay đổi nhiều. Chỉ có các ca phẫu thuật đòi hỏi nhiều bác sĩ phẫu thuật mới có gia tăng đáng kể (cao nhất là hơn 1,2 triệu đồng/ca mổ). Trong tháng 3, một số dịch vụ hầu như không thay đổi hoặc thay đổi rất ít do mới chỉ cộng thêm tiền phụ cấp trực.
Các phẫu thuật, thủ thuật sẽ tăng giá mạnh. Một ca phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Diệu Linh
Nhưng từ 1.7, sau khi cộng thêm cả tiền lương trả cho cán bộ y tế vào viện phí thì viện phí sẽ thay đổi mạnh mẽ. Có nhiều dịch vụ tăng từ 2-5 lần, tuy nhiên về cơ bản là tăng khoảng 30% so với mức viện phí hiện nay.
Cụ thể, tiền khám bệnh tại tháng 3 vẫn không thay đổi so với khung giá “kịch trần” quy định trong Thông tư 04 của Bộ Y tế mà hiện các BV đang áp dụng. Cụ thể, tiền khám bệnh trong tháng 3 ở BV hạng 1 vẫn là 20.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 là 15.000 đồng, BV hạng 3 là 10.000 đồng, BV hạng 4 là 7.000 đồng. Đến tháng 7, tiền khám sẽ tăng lên tương đương các hạng BV là 39.000 đồng; 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng.
Còn tiền giường bệnh có sự thay đổi mạnh mẽ. Tháng 3, tiền giường điều trị hồi sức tích cực ở BV hạng đặc biệt tăng từ 335.000 lên 354.000 đồng, còn tháng 7 tăng lên 677.000 đồng/người, BV hạng 1 là 354.000 và 632.000 đồng; BV hạng 2 là 350.000 và 568.000 đồng… Tiền giường bệnh nội khoa BV hạng 1 tăng từ 80.000 đồng lên 99.000 và 215.000 đồng (vào tháng 7)…
Ngoài ra, các dịch vụ thủ thuật, phẫu thuật khác đều có giá như nhau ở mọi hạng BV. Cụ thể, nội soi dịch vụ có sinh thiết, giá cũ 410.000 đồng, giá mới 525.000 đồng, giá tháng 7 là 621.000 đồng. Nội soi ổ bụng giá “kịch trần” trong Thông tư 04 là 575.000 đồng tăng lên 684.000 đồng vào tháng 3, tháng 7 là 793.000 đồng...
“Cởi trói” cho bệnh viện
Ông Liên cho biết, theo Thông tư 04 năm 2012, Bộ Y tế chỉ quy định khung giá, còn Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ phê duyệt mức giá cụ thể căn cứ vào tình hình kinh tế chính trị tại địa phương đó. Giá dịch vụ phổ biến mà các tỉnh phê duyệt chỉ bằng 70-80% giá khung do Bộ Y tế quy định. Còn các BV tuyến T.Ư hầu như có mức giá gần “kịch trần”.
“Vì vậy mới có nghịch lý cùng một dịch vụ nhưng lại có mức giá khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Tiền thuốc, vật tư y tế đều được mua với giá như nhau, tiêu hao như nhau nhưng tại sao giá dịch vụ lại khác nhau? Viện phí thấp, người dân cũng sẽ chịu thiệt khi các BV phải “co kéo đầu đuôi” để đủ chi phí. Lần này, Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ “đồng giá” ở các hạng BV, các tỉnh” – ông Liên phân tích.
Ngoài ra, việc để các Sở tự định giá sẽ rất mất công sức, thời gian, tiền của, việc thực hiện mức giá mới cũng không đồng loạt. Năm 2012, khi Thông tư 04 có hiệu lực quy định giá mới cho hơn 400 dịch vụ, nhưng các tỉnh thực hiện “lôm côm”. Có tỉnh đầu năm 2013 đã áp dụng giá mới, có tỉnh lại sang năm 2014, gây thiệt thòi cho cả người dân lẫn BV.
Ông Nguyễn Quang Tập – Giám đốc BV Việt Tiệp Hải Phòng cho biết, cộng tiền lương vào viện phí sẽ là “cứu cánh” cho nhiều BV vì ngân sách nhà nước cấp tiền lương cho bác sĩ không đủ. Đơn cử như BV Việt Tiệp, bệnh nhân đông nhưng lương biên chế mà thành phố cấp chỉ đạt hơn 50 tỷ đồng, trong khi BV phải chi hơn 120 tỷ đồng. Nguyên nhân là do bệnh nhân đông, chỉ tiêu của BV là 1.000 giường nhưng BV thực kê 1.300 giường nên thiếu nhân lực.
“Hiện nay bệnh nhân càng đông chúng tôi càng lỗ. Còn khi giá viện phí có thêm tiền lương thì BV sẽ không phải lo gánh nặng chi phí tiền lương cho cán bộ, yên tâm thực hiện chuyên môn và đầu tư thêm các kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh tốt hơn” – ông Tập cho biết.
Về việc tăng viện phí, ông Đào Huy Tập (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng đồng tình với việc “cào bằng” giá viện phí ở tất cả các hạng BV đối với cùng 1 loại dịch vụ. Như vậy, người bệnh sẽ có cơ hội lựa chọn BV nào thực hiện dịch vụ tốt nhất để làm. Đã thực hiện viện phí theo “giá thị trường” thì người bệnh phải có quyền lựa chọn, “mặc cả” quyền lợi mới công bằng” – ông Tập cho biết.
Thách thức lớn cho các bệnh viện Giá dịch vụ cộng thêm tiền lương sẽ “cởi trói” cho các BV khi đang phải còng lưng gánh lương cho hàng trăm cán bộ y tế ngoài biên chế. Nhưng khi giá dịch vụ “cào bằng” ở tất cả mọi BV thì chắc chắn người dân sẽ lựa chọn BV nào có kỹ thuật tốt, điều trị hiệu quả và thái độ phục vụ nhã nhặn, bất kể là BV công hay tư. Đây là thách thức rất lớn của tất cả các BV, dù là ở thành phố hay ở tỉnh, huyện”. Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc BV Bạch Mai Không lo “vỡ quỹ” Mỗi năm, Nhà nước dành khoảng 16.000 tỷ đồng trả lương cho nhân viên y tế. Khi đã đưa tiền lương vào giá viện phí thì Nhà nước sẽ dành cả 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân còn khó khăn. Nếu tính thêm chi phí trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật thì chi phí BHYT dự kiến tăng khoảng 30% so với các tháng trước. Còn đưa cả chi phí lương vào viện phí thì chi phí BHYT sẽ tăng 50-70% so với năm 2015. Trong năm 2017, nếu viện phí tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phải cân nhắc tăng mức đóng BHYT lên 6% tiền lương cơ bản. Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT – Bảo hiểm xã hội Việt Nam |