GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia- người trực tiếp tiến hành ca mổ sinh – đã vui mừng trao em bé tới tay cha mẹ.
Bé gái được bố mẹ đặt tên là Đinh Quỳnh Anh, nặng 3,6kg. GS Tiến cho biết cháu hoàn toàn khoẻ mạnh, xinh đẹp. Vợ chồng chị T.T.D (quê ở Gia Viễn, Ninh Bình) run run xúc động bế đứa con trong tay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến bên em bé đầu tiên chào đời bằng mang thai hộ ở Việt Nam
Chị D. cho biết, vợ chồng chị đã cưới nhau 18 năm nay nhưng không thể có con. Vì lý do bệnh lý nên chị đã mất tử cung. Khó có thể nói hết nỗi tủi hờn, buồn bã khi hai vợ chồng không thể có đứa con mang dòng máu của mình. Ngay khi biết Nhà nước đã cho phép mang thai hộ, anh chị đã vui mừng đi tìm người giúp mình mang thai. May mắn, một người cô của chị (46 tuổi) đã đồng ý giúp hai vợ chồng thực hiện ý nguyện.
Anh chị đã chuẩn bị hồ sơ, nộp tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư từ tháng 3.2015. Sau khi xét duyệt hồ sơ, thăm khám sức khoẻ cho người cô – người mang thai hộ, việc thụ tinh ống nghiệm đã diễn ra hoàn toàn thuận lợi. Sau 38 tuần chờ đợi, anh chị đã được bế đứa con của mình trên tay. “Cháu rất xinh đẹp. Vợ chồng tôi không biết nói gì để chia sẻ nỗi xúc động và biết ơn người đã giúp mình mang thai, biết ơn các bác sĩ đã giúp con mình được chào đời khoẻ mạnh, người cô cũng không có gì đáng ngại về sức khoẻ” – chị D. nghẹn ngào.
Chia sẻ với báo chí ngay khi rời bàn mổ, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, ca mổ diễn ra hoàn toàn thuận lợi, cả bé và người mang thai hộ đều khoẻ mạnh. Theo ông, quy định cho phép mang thai hộ là quy định hết sức nhân văn.
>> Ảnh: Bé gái xinh đẹp đầu tiên chào đời bằng mang thai hộ <<
Hiện nay còn hàng trăm phụ nữ không thể mang thai được vì các bệnh lý như: không có tử cung bẩm sinh, dị tật tử cung, bị cắt tử cung do tai nạn, do biến chứng sản khoa hoặc bệnh lý khiến sức khoẻ suy yếu, nếu mang thai sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con. “Những phụ nữ này rất dằn vặt, đau đớn khi không thể sinh được đứa con mang dòng máu của mình và người chồng mình yêu quý. Quy định đã giúp họ biến niềm khao khát thành sự thật” – GS.TS Tiến nói.
Theo GS.TS Tiến, từ nay đến tháng 3.2016 sẽ liên tục có các bé “mang thai hộ” được chào đời. Hiện tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã có hơn 70 hồ sơ yêu cầu thực hiện mang thai hộ trong đó hơn 50 ca đã được thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công. Còn cả nước là gần 100 ca.
GS Tiến cho hay, mang thai hộ là lấy trứng của mẹ, tinh trùng của bố, thụ tinh ống nghiệm sau đó chuyển phôi vào tử cung người mang thai hộ. Vì chỉ “mượn bụng” nên đứa trẻ sẽ mang gen của bố và mẹ chứ không mang gen người mang thai hộ. Tuy nhiên, người mang thai hộ cũng phải khoẻ mạnh mới không ảnh hưởng đến sức khoẻ của đứa trẻ.
Theo TS Vũ Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, một ca thụ tinh ống nghiệm hiện nay có giá hơn 60 triệu/ca. Nhưng đối với ca sinh này, bệnh viện sẽ hoàn toàn miễn phí.
“Tôi đánh giá cao hành động giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn mang thai hộ của người cô. Đây là nghĩa cả cao đẹp mà chỉ những người họ hàng thực sự có tình cảm mới làm được. Vì mang thai hộ cũng sẽ gặp những rủi ro, biến chứng như bất cứ trường hợp mang thai nào khác. Do đó, khi có nhu cầu thực hiện mang thai hộ, các cặp vợ chồng nên đến các bệnh viện lớn, được phép của Bộ Y tế thực hiện để đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ và con” - GS Nguyễn Viết Tiến khuyến cáo. |