Dân Việt

Nhập ngô tăng kỷ lục - bất thường!

Thanh Xuân 23/01/2016 17:29 GMT+7
Nhập khẩu ngô năm 2015 của Việt Nam tăng tới hơn 70% (đạt trên 7,5 triệu tấn), khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) có tăng tới mức đó hay còn do nguyên nhân khác?

Ngô trong nước lép vế

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, khối lượng ngô nhập khẩu năm 2015 đã tăng lên mức kỷ lục 7,55 triệu tấn, tăng 71,2% so với năm 2014. Như vậy, năm 2015 là năm thứ tư liên tiếp khối lượng ngô nhập khẩu của Việt Nam tăng cao. Việc tăng khối lượng nhập khẩu ngô của các doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước đã khiến cho người trồng ngô gặp nhiều khó khăn.

img

Nhập khẩu ngô tại cảng Hải Phòng. Ảnh; L.H.T

Ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, chủ trương chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng khác của Bộ NNPTNT đã thực hiện rất rõ ràng và năm 2015 việc chuyển đổi cũng được thực hiện mạnh mẽ hơn do nhiều diện tích đất lúa không đủ nước tưới. Trong đó, việc chuyển đổi từ đất lúa vẫn ưu tiên số 1 là cây ngô. ,Chính vì thế, diện tích gieo trồng cây ngô cả nước năm 2015 đã tăng mạnh, với tổng diện tích đạt gần 1,2 triệu ha, năng suất cũng đạt 44,8 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha và sản lượng đạt gần 5,3 triệu tấn, tăng 1,5% cùng kỳ. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho ngô trong nước vẫn chưa được giải quyết tốt, khâu liên kết trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngô cho nông dân vẫn chưa hoàn chỉnh.

Là một doanh nghiệp sản xuất TACN, ông Nguyễn Hữu Lợi – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại VIC (TP. Hải Phòng) cho biết, sản lượng ngô nội địa năm 2015 có tăng nhưng không đáng kể nên doanh nghiệp vẫn bắt buộc phải nhập khẩu. “Năm 2015 do giá ngô thế giới có giảm nên chúng tôi cũng tăng cường nhập khẩu ngô với lượng nhập vài vạn tấn và giảm sử dụng ngô nội địa”- ông Lợi nói.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp TACN, mặc dù các doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh mở rộng diện tích ngô biến đổi gen, góp phần tăng năng suất cho ngô trong nước. Tuy nhiên, ngô trong nước vẫn bị lép vế bởi có nhiều điểm yếu như: Độ ẩm của ngô trong nước thường cao hơn 7 – 10% so với ngô nhập, dẫn tới tỷ lệ hao hụt cao; công nghệ sơ chế, bảo quản của ngô trong nước còn lạc hậu dẫn tới tỷ lệ mốc, mối mọt rất cao; doanh nghiệp không thể tự thu mua ngô từ từng người nông dân và nông dân cũng không có hoá đơn VAT; chi phí vận chuyển, chi phí quản lý cho thu mua cũng tăng…dẫn tới các doanh nghiệp luôn có xu hướng lựa chọn nhập khẩu ngô.

Ngô nhập khẩu rẻ hơn ngô trong nước

"Giá ngô ở thời đỉnh điểm là năm 2011 lên tới 310 USD/tấn và đầu 2015 khoảng 230 -250 USD/tấn, nhưng hiện tại chỉ còn 170 – 180 USD/tấn, một phần do giá dầu giảm. Trong khi đó, nếu cam kết tham gia TPP năm 2016, thuế nhập khẩu thịt lợn vẫn là 25% và tới 2028 mới về 0% thì chắc chắn nhập khẩu ngô năm 2016 sẽ còn tiếp tục tăng”.

Ông Lê Bá Lịch

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2015 có mức tăng khá, đạt 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này là do đàn bò sữa tăng mạnh (tăng 20,9%) sản lượng sữa bò tươi tăng cao đạt khoảng 120% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù chăn nuôi lợn phát triển khá thuận lợi do dịch lợn tai xanh không xảy ra và giá bán lợn hơi ở mức có lợi cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, đàn lợn cũng chỉ đạt 27,7 triệu con, tăng 3,7%; và đàn gia cầm đạt 341,9 triệu con, tăng 4,3%. Tức là lĩnh vực chăn nuôi có tăng so với cùng kỳ năm 2014 nhưng cũng không phải tăng trưởng đột biến để dẫn tới nhập khẩu nguyên liệu ngô lên mức kỷ lục là hơn 7,5 triệu tấn, tăng tới hơn 71% so với cùng kỳ năm 2014.

TS Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, năm 2015, dù chính sách chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô được triển khai mạnh nhưng diện tích và sản lượng ngô trong nước tăng không đáng kể. Trong khi, chăn nuôi 2015 cũng tăng trưởng khá nên việc nhập ngô tăng có thể là do nhu cầu sản xuất TACN trong nước tăng. Còn các nguyên nhân khác thì chưa có số liệu cụ thể để đánh giá.

Phân tích về những nguyên nhân dẫn tới nhập khẩu ngô tăng, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam - cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nhập khẩu ngô tăng, trong đó nhu cầu sử dụng TACN trong nước cũng tăng. “Hiện xuất khẩu lợn sang Trung Quốc có ngày lên đến hàng vạn con, điều đó chứng tỏ chăn nuôi trong nước năm 2015 cũng phát triển”- ông Lịch nói.

Cũng theo ông Lịch, năm 2015 vừa qua, thuế nhập khẩu ngô cũng giảm, trong khi các nước trong khu vực ASEAN có thể sử dụng “chiêu thức” tạm nhập tái xuất qua Việt Nam để “tránh thuế”.

“Tuy nhiên, việc tạm nhập tái xuất có nhiều hay không phải xem lại số liệu của hải quan. Còn ngô trong nước có chuyển đổi thêm 200.000ha, nhưng sản lượng cũng chẳng tăng thêm đáng kể. Trong khi giá ngô thế giới lại giảm thê thảm, hiện chỉ còn 170 USD/tấn, về đến Việt Nam chỉ 180 USD/tấn, tức là chưa đến 4.000 đồng/kg. Ngược lại, ngô trong nước năng suất vẫn thấp, giá thành sản xuất cao không cạnh tranh được cộng thêm giá dầu giảm, dẫn tới cước vận chuyển giảm nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu”- ông Lịch phân tích.