Dân Việt

Ồ ạt chặt thanh long ruột trắng trồng ruột đỏ: 'Đánh bạc' với thị trường

Kỳ Phương- Hữu danh 23/01/2016 06:56 GMT+7
Nhà vườn ở Long An ồ ạt chặt bỏ thanh long ruột trắng để chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ. Trong khi đó, loại ruột đỏ chủ yếu chỉ phục vụ thị trường Trung Quốc, nơi người dân tin rằng màu đỏ là màu may mắn...

Chạy theo lợi nhuận

Tại huyện Châu Thành - “thủ phủ thanh long” phía Nam, chỉ sau vài năm, diện tích thanh long ruột đỏ gần bằng thanh long ruột trắng. Trong khi trước đó, cả huyện chỉ rặt thanh long ruột trắng. Tại ấp 5, xã Phước Tân Hưng, nông dân Võ Văn Thông cho chặt bỏ toàn bộ vườn thanh long ruột trắng khoảng 1ha mới trồng 3 năm để chuyển qua thanh long ruột đỏ. Hàng xóm của ông Thông là ông Mười Nơ cũng đốn sạch vườn cây đang sung sức để trồng ruột đỏ. Khắp huyện Châu Thành, nhiều vườn thanh long đang sắp cho trái cũng bị “tiêu diệt” để “đổi màu từ trắng sang đỏ”.

img

Người dân chặt bỏ thanh long ruột trắng để chuyển sang ruột đỏ. Ảnh: K.P

Ông Nguyễn Văn Thình – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Hiện tại trên địa bàn huyện có nhiều hộ chặt bỏ hoa màu và thanh long ruột trắng để chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Giá thanh long ruột trắng hiện hơn 10.000 đồng/kg, trong khi thanh long ruột đỏ khoảng 55.000 đồng/kg”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, đến cuối năm 2015, diện tích đất trồng hoa màu ở huyện này có sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái cây lúa đã giảm gần 3.000ha, cây màu giảm hơn 80ha. Diện tích cây thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành gần 5.500ha, trong đó ruột đỏ chiếm 2.500ha với hơn 12.000 hộ trồng. Sản lượng đạt được 102.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận từ thanh long ruột đỏ dao động từ 500 -700 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Thân Ái - Giám đốc Công ty Hương Vị Trái Cây Việt (Long An) cho biết, vài năm trước Châu Thành chỉ có thanh long ruột trắng nhưng mấy năm trở lại đây, người nông dân đua nhau trồng ruột đỏ. “Tuy giá thanh long ruột đỏ cao hơn nhiều lần so với thanh long ruột trắng nhưng nếu xét về sản lượng thì thanh long ruột trắng cho sản lượng trái nhiều hơn gấp 2-3 lần ruột đỏ. Bên cạnh đó, trồng thanh long ruột đỏ tốn nhiều chi phí, chăm sóc cũng kỹ lưỡng, vất vả hơn nhiều so với trồng thanh long ruột trắng”-  ông Ái nói.

Lệ thuộc thị trường Trung Quốc

Ông Trương Quang An - Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu (Châu Thành) nói: “Chúng tôi có 60ha trồng thanh long, trong đó có 30ha theo chuẩn VietGAP, toàn bộ là ruột trắng. Do nhu cầu xuất khẩu nên chúng tôi phải mua thêm thanh long bên ngoài. Tuy nhiên, thanh long ruột đỏ chỉ bán duy nhất qua thị trường Trung Quốc vì khách hàng ở đây thích màu đỏ, chủ yếu là chưng cho đẹp. HTX chúng tôi xuất thanh long sang Thái Lan rất nhiều. Tôi thử đem loại ruột đỏ sang Thái chào hàng. Nhưng nói thật, cho họ cũng không ăn thì đừng nói chuyện bán”.

"Có lúc giá thanh long ruột đỏ gần 70.000 /kg, thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa và thanh long ruột trắng nên để vận động người dân gắn bó với thanh long ruột trắng là rất khó” .
Ông Nguyễn Văn Thình - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thân Ái cũng cho rằng, người Trung Quốc rất thích màu đỏ nên họ chấp nhận cái giá cao gấp 5 - 6 lần so với ruột trắng. “Đầu tư trồng mới mỗi ha thanh long ruột đỏ tốn khoảng 200 triệu đồng. Tính đến khi cây cho trái đầu mùa - khoảng 10-12 tháng, mỗi ha tốn tổng cộng 350-400 triệu đồng. Cho nên, việc đốn thanh long trắng chuyển sang đỏ là rất tốn kém” - ông Ái nói.

Theo ông Thình, để tránh tình trạng người dân phá bỏ hoa màu để trồng thanh long thì UBND huyện Châu Thành đã khuyến cáo người dân về những hệ lụy, khó khăn khi ồ ạt chuyển đổi. Tuy nhiên đây là việc rất khó thực hiện bởi vì thanh long ruột đỏ đang được giá.

Tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), nhiều nông dân cũng rục rịch chuyển từ ruột trắng sang ruột đỏ. “Địa phương vận động dân không nên ồ ạt chuyển đổi. Thực tế thanh long ruột trắng thu nhập cũng rất tốt. Chi phí trồng mới thanh long ruột đỏ rất cao trong khi thị trường Trung Quốc không có gì bảo đảm nên chúng tôi vận động người dân phải cân nhắc, không nên chạy theo thị hiếu của người Trung Quốc” - bà Nguyễn Thị Tiếp - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo nói.

Ông Võ Văn Vấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn toàn huyện có hơn 6.400ha cây thanh long. Theo đề án quy hoạch đến năm 2020 là 8.000ha. Thế nhưng, vì thanh long có giá cao, nên người dân trồng tràn lan ngoài vùng quy hoạch rất nhiều. Ngoài ra, nếu trường hợp thanh long mất giá thì nông dân sẽ rơi vào tình trạng khó khăn”. 

Đừng phụ thuộc một thị trường

Theo ông Nguyễn Thân Ái, công ty ông vẫn xuất được thanh long ruột đỏ sang Mỹ, chủ yếu cho người Mỹ gốc Trung Quốc nhưng sản lượng rất hạn chế. “Thanh long ruột trắng vỏ dày, trái cứng nên có thể đi bằng tàu biển, sản lượng lớn. Như tôi xuất đi Dubai, mất 22 ngày trên biển, tới nơi trái vẫn rất đẹp. Trong khi đó, loại ruột đỏ vỏ mỏng, nước nhiều, ruột mềm nên bảo quản khó khăn, chừng 15 ngày đã xuống màu. Do đó, xuất qua Mỹ hay châu Âu chỉ có thể đi bằng máy bay, mỗi container chỉ được 1 tấn. Nếu sau này thị trường Mỹ hay châu Âu có ưa chuộng thì việc xuất khẩu với số lượng lớn sẽ không khả thi” - ông Ái phân tích. 

GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp cho biết, thị trường Âu Mỹ không chuộng các loại hoa quả quá ngọt. Thanh long ruột đỏ vị ngọt, người Trung Quốc chuộng nhưng thị trường Âu Mỹ không chuộng.

Ông Trương Quang An nói, đốn bỏ loại trái đang cho thu nhập cao để hướng tới loại trái mà mọi người nghĩ là “thu nhập cao hơn” cũng như “đánh bạc”. “Thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng cũng rất hẹp. Chỉ cần thị trường này gặp sự cố thì thanh long ruột đỏ sẽ không có đầu ra” - ông An cảnh báo.

Ông Ái nói: “Ruột đỏ có đi Mỹ cũng với số lượng nhỏ lẻ, không đáng bao nhiêu. Ngoài ra, nhà nhập khẩu cũng kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất kỹ. Do đó, đến nay loại ruột đỏ vẫn lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc”.

KỲ PHƯƠNG - HỮU DANH