Dân Việt

Coi chừng đột quỵ vì rét

Diệu Linh 25/01/2016 06:15 GMT+7
Ngày 24.1, TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần đề phòng bệnh tật gia tăng khi thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ giảm sâu ở các tỉnh miền Bắc.

Theo TS Phu, thời tiết lạnh, người già và trẻ em có sức đề kháng yếu nên rất dễ bị bệnh. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy. Người già dễ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp. Những người phải lao động ngoài trời cũng dễ bị cóng, lạnh. “Khi phải ra ngoài trời, người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách giữ ấm cơ thể, ngực, đầu, cổ, tay chân. Người già tránh ra đường vào lúc sáng sớm, đêm khuya, tránh bị lạnh đột ngột gây co mạch máu làm gia tăng nguy cơ đột quỵ” – TS Phu cho biết.

img

Tranh thủ giữa trưa, gia đình ông Chá A Sinh (bản Pú Đao, xã Pú Đao, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) tháo bạt cho trâu thở hít không khí trong sạch nhưng vẫn phải đốt lửa cho trâu ấm. Ảnh: K.T

Ngoài ra, người dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh, sử dụng sản phẩm thịt, cá ốm chết, không rõ nguồn gốc. Tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể lực cho cơ thể. Tránh tiếp xúc gần với những người có bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, rubella, thuỷ đậu, tay chân miệng…

Do vừa vào ngày rét nên số bệnh nhân ở các bệnh viện chỉ tăng nhẹ. Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), số trẻ nhập viện do mắc các bệnh đường hô hấp tăng 20-30%, trong đó có nhiều trẻ mới 1-2 tháng tuổi bị viêm phổi và viêm tiểu phế quản. “Vừa vào ngày rét nên trẻ mới ủ bệnh, sau đợt rét thì lượng bệnh nhân mới gia tăng đáng kể” – PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết. Còn ở khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai) số bệnh nhân tới khám các bệnh mãn tính giảm đáng kể do người bệnh “ngại rét” không đi khám, nhưng các bệnh nhân bị bệnh “thời tiết” như huyết áp, tim mạch, da liễu, viêm đường hô hấp… lại gia tăng.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) mách nước, “cứu tinh” cho các nông dân, người lao động ngoài trời trong mùa lạnh chính là trà gừng nóng. Khi đi làm, nông dân nên mang theo một bình trà gừng nóng với công thức: 1 gừng, 0,5 đường cho thêm ít bột quế. Gừng có thể phòng cảm lạnh do phong hàn, giảm đau đầu lúc trời lạnh, tăng cường tuần hoàn máu, ấm bụng giảm nguy cơ bị lạnh bụng, tiêu chảy, kích thích tiêu hoá.