Dân Việt

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: “Trăn trở việc giúp nông dân sống tốt hơn”

Hải Phong – Minh Yến (ghi) 25/01/2016 12:40 GMT+7
“Về chính sách tạm trữ lúa gạo, Chính phủ đã báo cáo nhiều lần và tôi đã giải trình nhiều lần trước Quốc hội, đây chỉ là các giải pháp hỗ trợ thị trường, chỉ là sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường”, sáng 24.1, trả lời Báo NTNN, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết như vậy.

Thưa Bộ trưởng, tham luận tại Đại hội, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường có nói rằng: Bây giờ không ai muốn làm nông dân vì nông dân nghèo quá, khổ quá, thậm chí, nông thôn và nông dân bị lợi dụng. Bộ trưởng bình luận gì về ý kiến này?

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát.

- Trên thực tế, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, thu nhập và cuộc sống của nông dân liên tục được cải thiện. Tuy nhiên sự cải thiện đó không đồng đều giữa các vùng miền. Vùng núi cao, đồng bào dân tộc được cải thiện nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn rất cao, có nơi 30% hoặc hơn. Tôi hiểu đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân chủ yếu muốn nói ý này. Vì thế, cần nỗ lực to lớn hơn để thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Vậy cần phải làm như thế nào để cải thiện thu nhập và cuộc sống của nông dân tốt hơn nữa?

- Thực tế, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, trong đó có tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hai chương trình song hành và đều nhằm mục tiêu cải thiện đời sống người dân nông thôn. Tái cơ cấu giúp nền nông nghiệp phát triển nhanh hơn, tốt hơn. Nông thôn mới hướng tới cải thiện toàn diện hơn điều kiện sống của cư dân nông thôn.

Có ý kiến nói nông dân bỏ đi vì nông nghiệp thu nhập thấp. Thực ra có chỗ này chỗ khác, nông dân có thu nhập thấp hơn vì diễn biến thị trường. Nhưng tổng thể năng suất và thu nhập cao lên.

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Để đạt mục tiêu đó, với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách. Riêng về chính sách tạm trữ lúa gạo, Chính phủ đã báo cáo nhiều lần và tôi đã giải trình nhiều lần trước Quốc hội, đây chỉ là các giải pháp hỗ trợ thị trường, là sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Mục tiêu là để nông dân bán được lúa gạo với giá có lợi hơn.

Khi sản lượng làm ra cao hơn khả năng tiêu thụ, chúng ta phải có biện pháp kích giá cao trở lại, không để giá xuống quá sâu. Như vậy phải tạo nhu cầu bổ sung.

Có nhiều ưu đãi, nhưng người nông dân vẫn bỏ quê ra tỉnh rất nhiều. Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này và giải pháp cho tình trạng này ra sao?

- Việc nông dân tìm việc làm ở khu vực kinh tế phi nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Nhìn các nền kinh tế phát triển hơn sẽ thấy, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm. Nhật Bản chỉ còn 2,2 triệu nông dân. Mỹ cũng chỉ khoảng 2 triệu nông dân. Việt Nam có 23 triệu người làm nông nghiệp, trong khi đó 11 nước đối tác TPP của Việt Nam, theo số liệu do tôi tự tính toán, chỉ có 20,5 triệu nông dân, trong đó Mexico 13,5 triệu. Nông thôn được đô thị hóa cũng là xu hướng tất yếu.

Việt Nam đang đi lên công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nền kinh tế chủ yếu sẽ là công nghiệp và dịch vụ. Nhìn vào Hà Nội, TP.HCM hay Đồng Nai..., tỷ lệ nông nghiệp chỉ còn 5-7%. Nhưng nông dân chưa có việc làm ở nhà máy, cơ sở dịch vụ vẫn bỏ ruộng, bỏ quê đi làm các công việc phi chính thức, nhiều rủi ro. Họ có thu nhập cao hơn.

Vậy tại sao không thể làm cho nông dân có cuộc sống tốt hơn ở ngay quê hương mình, không phải đi vào khu vực nhiều rủi ro? Đó là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Chúng ta phải tiếp tục phát triển ở khu vực nông thôn nhanh và mạnh hơn. Phải có chính sách phát triển công nghiệp và dịch vụ ở ngay vùng nông thôn, để nông dân không phải lên các đô thị tìm việc. Phải tiếp tục chương trình nông thôn mới để cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!