Dân Việt

Thể lực - “cái móng” yếu của bóng đá Việt

Chính Minh 26/01/2016 07:15 GMT+7
Trả lời báo chí về khả năng thành công ở câu lạc bộ Yokohama (Nhật Bản), tiền vệ Tuấn Anh nói: “Tôi đã được tập luyện cùng các cầu thủ Yokohama và nhận thấy họ có kỹ thuật tốt, đặc biệt là rất khỏe. Tôi nghĩ mình phải cải thiện thêm nhiều về thể lực, tăng khả năng tranh chấp mới hy vọng khẳng định được mình”.

img

Tiền vệ Tuấn Anh (trái) đã thừa nhận phải cải thiện hơn nữa về thể lực nếu muốn khẳng định được mình trong thời gian thi đấu tại Nhật Bản sắp tới.   Ảnh: MINH HOÀNG

Lời chia sẻ của Tuấn Anh là rất thật. Nói cách khác, hạn chế về thể lực là vấn đề chung không chỉ của các thành viên Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal JMG thời điểm này mà còn là điểm yếu của các cầu thủ Việt Nam. Huấn luyện viên (HLV) Toshiya Miura với những tìm hiểu từ lý thuyết và thực tế theo dõi các trận đấu V.League quá hiểu điều đó. Và trong suốt gần 2 năm làm việc tại Việt Nam, ông thầy người Nhật Bản làm tất cả chỉ tập trung gần như vào 2 vấn đề: Nâng tầm thể lực của cầu thủ và giúp họ tận dụng tối đa những tình huống cố định.

Thực tế, theo suốt hành trình của các đội tuyển từ ASIAD 2014, AFF Cup 2014, SEA Games 2015 và gần nhất là vòng chung kết giải U23 châu Á 2016, người khắt khe nhất cũng không thể phủ nhận thể lực của các cầu thủ đã có bước tiến không nhỏ. Ở trận cuối cùng trên đất Qatar, thậm chí U23 Việt Nam còn có thể tranh chấp tay đôi sòng phẳng với các đối thủ cao to hơn của U23 UAE: “Tôi tin nếu có thêm thời gian, HLV Miura sẽ làm tốt hơn nữa. Khi nền tảng thể lực của cầu thủ tốt rồi thì mọi ý đồ chiến thuật đá ngắn hay đá dài… cũng sẽ “xuôi” thôi và ngược lại. Dù sao, tư duy chiến thuật, kỹ thuật của cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là lứa Học viện HAGL-Arsenal JMG đã tốt rồi”- HLV Nguyễn Thành Vinh nói.

Ở đây có một chi tiết có ý nghĩa quyết định là thời điểm chọn HLV Miura vào tháng 5.2014, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Nếu làm để “giữ ghế”, chạy theo thành tích thì tôi đã không làm. Tôi đặt niềm tin vào HLV Nhật Bản. Thời gian đầu, họ làm có thể hơi chậm nhưng sẽ tạo ra “cái móng” kiên cố. Khi mọi thứ vào guồng rồi thì sẽ phát triển rất nhanh”. Và lúc này, không ít người đang chờ đợi ông Chủ tịch VFF dũng cảm nhắc lại luận điểm của mình cách đây gần 2 năm. Chí ít, để HLV Miura ra đi cũng hiểu đơn giản chuyện ông “mất ghế” chỉ vì không thức thời. Cũng là để người hâm mộ, những  HLV sau này thế chỗ ông Miura biết “cái móng” BĐVN trong suy nghĩ của lãnh đạo VFF là cái gì?