Nhìn lại diễn biến của thị trường BĐS những năm 2011-2012 có thể thấy, nghịch lý lớn nhất của thị trường là tồn kho BĐS dù rất lớn nhưng giá nhà thì lại cao, thậm chí tăng ở nhiều thời điểm. Và chính điều này đã dẫn đến tình trạng, mặc dù nhu cầu nhà ở của người dân lớn nhưng lại không có điều kiện tiếp cận và sở hữu BĐS. Hệ quả là tồn kho BĐS tại thời điểm này được ghi nhận lên tới gần 130 ngàn tỉ đồng (theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng).
Ảnh minh họa.
Nghịch lý này cũng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề cập khi trao đổi với Petrotimes, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đóng băng” của thị trường BĐS giai đoạn 2011-2012 là tình trạng lệch pha “cung-cầu”, thị trường thừa quá nhiều sản phẩm trung và cao cấp, trong khi thiếu quá nhiều sản phẩm bình dân, giá rẻ. Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường là phải khắc phục sự lệch pha “cung-cầu”, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý để sản phẩm BĐS đến được với mọi đối tượng, phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.
Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, xuất phát từ thực tế trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất một nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị quyết 02 năm 2013 và Nghị quyết 61 năm 2014 của Chính phủ. Và đến hết năm 2015, thị trường BĐS sau một thời gian trầm lắng đã được phục hồi, thể hiện qua các yếu tố như giá cả ổn định; thanh khoản tăng; cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý, hướng tới người thu nhập trung bình và thấp; tồn kho BĐS liên tục giảm.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2015, tại Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ 2014; tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 18.700 giao dịch thành công (tăng 1,8 lần so với cùng kỳ 2014). Tồn kho BĐS tiếp tục giảm và tính đến 20/12/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 50.889 tỉ đồng, giảm 77.659 tỉ đồng, tương đương giảm 60,4% so với Quý I/2013; giảm 54.100 tỉ đồng, tương đương giảm 42,3% so với tháng 12/2014.
Đặc biệt, với chương trình nhà ở xã hội khu vực đô thị, trong năm 2015, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (quy mô xây dựng khoảng 6.164 căn hộ), 20 dự án nhà ở xã hội cho công nhân (với quy mô khoảng 8.273 căn hộ). Và hiện trên cả nước đang tiếp tục triển khai 171 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 108 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 61.290 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 31.760 tỉ đồng; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỉ đồng.
Và tính chung trong giai đoạn 2011-2015, thông qua các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm, đến nay đã có khoảng 780 nghìn hộ gia đình, tương đương khoảng trên 3 triệu người nghèo, người thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở.
“Trong thời gian qua có thể thấy rằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là hoàn toàn đúng đắn; vừa giúp cho thị trường hồi phục tích cực, vừa đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, giải quyết một cách căn bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng người dân có khó khăn về nhà ở, được đánh giá là việc làm có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, nhân văn sâu sắc”-Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Nói như vậy để thấy rằng, sau một thời gian dài vật lộn với khó khăn, “con bệnh” BĐS đã được “kê đơn, bốc thuốc” đúng bệnh và đã hồi phục rõ nét. Và theo đánh giá của giới chuyên gia, đà hồi phục này là bền vững bởi nó được hình thành dựa trên yếu tố cung-cầu của thị trường cũng như khả năng tài chính của đại bộ phận người dân.
Tính đến hết tháng 12.2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,0 m2 sàn/người (tăng 1,1 m2 sàn/người so với năm 2014, tăng 4,5 m2 sàn/người so với năm 2010); năm 2015, cả nước phát triển thêm khoảng 1,0 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 2,8 triệu m2. |