Đừng có khóc thương
Sau chức vô địch AFF Cup 2008, tưởng như bóng đá Việt Nam đã bước qua trang mới nhờ cú vươn đỉnh Đông Nam Á. Nhưng thực tế, ngay thời điểm ngọt ngào dưới triều đại Calisto, tuyển Việt Nam cũng chưa vươn ra nổi sân chơi châu lục. Thất bại của đội bóng vừa vô địch AFF Cup 2008 dưới thời Calisto là minh chứng rõ ràng, bởi chính những nhà vô địch năm ấy đã thua muối mặt trong chiến dịch vòng loại châu Á.
U23 Việt Nam đã có một thất bại toàn diện tại VCK U23 châu Á.
Trên thực tế, việc U23 Việt Nam có mặt ở VCK U23 châu Á 2016 đã được xem là chiến công lớn. Bởi đây là lần đầu, U23 Việt Nam tự kiếm được tấm vé đi đến sân chơi châu lục. Trước đó, đội bóng áo đỏ thường xuyên thất bại trong những chiến dịch vòng loại, thậm chí chính lứa U23 cũng đã thất bại một lần ở vòng loại. Cho nên, người ta có thể hiểu, tốc độ phát triển của bóng đá Việt Nam quá thấp.
Dĩ nhiên, một khi bóng đá Việt Nam giậm chân tại chỗ, chúng ta không thể đòi hỏi đối thủ dừng lại, chờ chúng ta cùng phát triển. Đấy là một nỗi đau lớn, nhưng không thể mãi khóc thương. U23 Việt Nam có thể nhìn thẳng từ “ông kẹ” khu vực là Thái Lan, bởi người Thái cũng đâu hơn gì U23 Việt Nam trong cuộc chiến tại Qatar. Họ cũng sớm phải ra về sau vòng bảng. Cho nên, trách cứ cầu thủ, HLV Miura hay khóc thương, đấy không phải là điều phù hợp với hoàn cảnh lúc này.
10 năm hoang phí
Cho dù U23 Việt Nam thất bại đi nữa, không thể phủ nhận thực tế: lứa Công Phượng, Tuấn Anh… chính là tương lai của bóng đá Việt Nam. Họ chính là chủ nhân, lãnh trách nhiệm chinh phục những mục tiêu lớn phía trước. Thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh… có xuất phát điểm cùng với giai đoạn mà lứa cầu thủ của ông Calisto chín nhất và lên ngôi vô địch. Cho nên, khi lứa cầu thủ trẻ này xuất hiện và thất bại, người ta có quyền đặt câu hỏi: Họ đã thất bại trong mục tiêu vượt lứa đàn anh?
Thực ra việc so sánh là vô cùng, bởi thất bại của một giải đấu chưa hẳn là thước đo. Nhưng nhìn sang khu vực, người Thái tuy cùng thất bại ở giải U23 châu Á như U23 Việt Nam, vậy nhưng họ đã quay trở lại đỉnh khu vực. Họ khiến cho lứa cầu thủ như Công Phượng trở nên mông lung hơn bao giờ hết, kể cả là mục tiêu quay trở lại vị trí số 1 khu vực.
10 năm là quãng thời gian không dài, nhưng cũng chẳng ngắn đối với bóng đá. Một lứa cầu thủ mới xuất xưởng ra lò, có điều những giới hạn mà đàn anh không thể vượt qua cuối cùng cũng tái lặp vào họ. Bóng đá Việt Nam vì thế chấp nhận với hoàn cảnh phập phù, vì khoảng cách giữa khu vực và châu lục quá xa vời. Then chốt nhất là cái thua của U23 Việt Nam và ông Miura thể hiện một thực tế chua chát hơn rất nhiều: bóng đá Việt Nam bỏ phí 10 năm phát triển.
Xưa đã chạy dài chưa đuổi kịp, nay còn hoang phí, điều đó lý giải cho những bê bết lúc này của bóng đá Việt Nam.