Dân Việt

“Bầu cử trong Đảng nên sớm tiến tới tranh cử”

Hải Phong - Minh Yến (ghi) 26/01/2016 10:00 GMT+7
“Tôi nghĩ về lâu dài, công tác bầu cử trong Đảng nên có tranh cử, để nhiều người lên trình bày phương án của mình trước đông người, nói rõ dự định nếu trúng cử vào vị trí đó thì sẽ làm gì… Sau đó, các ứng cử viên tranh luận với nhau một cách công khai”. Trao đổi với báo chí, ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư đề xuất như vậy.

Thưa ông, trong số các ứng viên bầu vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XII có ứng cử viên đang giữ các cương vị cao, được biết tới, nhưng cũng có những ứng viên lần đầu được giới thiệu tham gia T.Ư, ít người biết tới. Vậy làm thế nào để có sự đánh giá công bằng trong bầu cử, giúp các đại biểu (ĐB) lựa chọn và đánh giá được người xứng đáng nhất?

- Đúng là đối với các ĐB, không phải ứng cử viên nào họ cũng biết rõ. Người thì biết nhiều hơn, người biết ít hơn. Để khắc phục điều này, Đoàn Chủ tịch cung cấp hồ sơ về cá nhân các ứng cử viên cho các đoàn; nhân sự giới thiệu thêm sẽ được tiếp tục cung cấp hồ sơ để cho các ĐB tìm hiểu.

img

Ông Vũ Ngọc Hoàng trao đổi với báo chí.   Ảnh:  K.M

Trong quá trình thảo luận tại các đoàn, đoàn nào cũng có ủy viên T.Ư khóa cũ, có đoàn có cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các đồng chí này sẽ tiếp tục cung cấp thông tin nếu các ĐB còn chưa rõ về ứng viên nào đó. Vì vậy, theo tôi, các ứng viên ở địa phương vẫn có thể có phiếu cao mặc dù các đồng chí ở địa phương được ít người biết hơn các đồng chí ở T.Ư.

Nếu cơ cấu như vậy, có thể phản ánh khía cạnh khác là bầu cử có thể chưa thực chất, chưa bầu nhưng đã mặc định chọn người?

- Trong đề án nhân sự, dù có  yêu cầu về cơ cấu để đảm bảo lãnh đạo toàn diện nhưng tiêu chuẩn là chính. Việc Bộ Chính trị, T.Ư giới thiệu ứng viên nào, người đó đã được xem xét kỹ về tiêu chuẩn, sau đó mới tới cơ cấu. Tôi nghĩ ở T.Ư, Quốc hội cũng cần phải có một bộ phận đại diện ở các địa phương. Tất nhiên phải có một tỷ lệ nhất định. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, công tác bầu cử trong Đảng sẽ tiến bộ một bước nữa là có tranh cử.

Ông có cho rằng thực hiện tranh cử trong Đảng sẽ giúp đánh giá, lựa chọn chính xác hơn những người giữ trọng trách?

- Tôi nghĩ về lâu dài, công tác bầu cử trong Đảng nên có tranh cử, để nhiều người lên trình bày phương án của mình trước đông người, nói rõ dự định nếu trúng cử vào vị trí đó thì sẽ làm gì… Sau đó, các ứng cử viên tranh luận với nhau một cách công khai. Đó là một cơ chế tốt, tiến bộ, cần tích cực chuẩn bị nhằm sớm  triển khai thực hiện.

Đương nhiên một cơ chế như vậy phải chuẩn bị kỹ. Để có môi trường tranh cử lành mạnh thì phải có khung pháp lý, cơ chế nhằm đảm bảo sự lành mạnh ấy. Điều đó còn cần có văn hóa, phải chuẩn bị cả văn hóa nữa để thực hiện môi trường tranh cử lành mạnh, minh bạch và không bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực như tiền bạc, lợi ích nhóm, hay ứng xử văn hóa giữa người trúng cử và người không trúng cử. Ở phương Tây, họ tranh luận với nhau khi tranh cử rất thẳng thắn, mạnh mẽ. Nhưng sau khi ông này trúng cử thì ông kia lại vui vẻ chúc mừng. Còn ở phương Đông, không khéo lại hằm hằm với nhau. Để tranh cử cần phải chuẩn bị về văn hóa nữa. Tất nhiên cũng phải mạnh dạn thực hiện và tiếp tục hoàn thiện.

Phải chủ động chuẩn bị, phải có lãnh đạo để việc tranh cử được thực hiện tốt. Còn trong khi chưa chuẩn bị mà thực hiện vội thì có thể có yếu tố tiêu cực xen vào, có thể rối mà khi rối thì dân chủ có thể bị thụt lùi. Khi xã hội mà rối thì người ta chơi với nhau bằng luật rừng. Mà chơi với nhau bằng luật rừng thì không thể có dân chủ.

Ban Chấp hành T.Ư khóa XI đã từng đề cập tới vấn đề tiến hành tranh cử trong Đảng chưa?

- Tổng Bí thư, trong báo cáo trình bày trước Đại hội XII, có nói sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Tranh cử trong Đảng liên quan đến công tác cán bộ. Tôi nghĩ công tác cán bộ mà đổi mới mạnh mẽ thì phải đổi mới về cơ chế. Sắp tới nên sớm đề ra cơ chế, trong đó có vấn đề tranh cử.

Ông có cho rằng trong điều kiện Đảng đang nỗ lực tự đổi mới như hiện nay, đã đến lúc thực hiện tranh cử trong Đảng ngay trong khóa XII này?

"Nhiệm kỳ XII, theo tôi mong muốn và hy vọng các đồng chí trong T.Ư và Bộ Chính trị sẽ quyết định các cơ chế cụ thể để thực hiện việc tranh cử, kể cả trong Đảng và ngoài xã hội”. 

Ông Vũ Ngọc Hoàng

- Tôi nghĩ về nhận thức là tương đối chín muồi. Bây giờ phải chuẩn bị điều kiện cho việc này thêm nữa về góc độ văn hóa và cơ chế để thực hiện. Nhiệm kỳ XII, theo tôi mong muốn và hy vọng các đồng chí trong T.Ư và Bộ Chính trị sẽ quyết định các cơ chế cụ thể để thực hiện việc tranh cử, kể cả trong Đảng và ngoài xã hội.

Trong nhiệm kỳ XI, T.Ư đã thí điểm bầu trực tiếp Bí thư và cấp ủy ở Đảng bộ cơ sở. Theo ông, sắp tới có nên thực hiện việc này ở cấp cao hơn và cao nhất là tại Đại hội Đảng? Như Tổng Bí thư có thể sẽ được bầu tại Đại hội Đảng toàn quốc - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng chẳng hạn?

- Hiện nay, Điều lệ Đảng chưa có việc đó. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, sẽ có một ngày với xu hướng tiếp tục tiến bộ và dân chủ, Đại hội Đảng toàn quốc sẽ trực tiếp bầu Tổng Bí thư.

Đại hội XII có đặt vấn đề sửa Điều lệ Đảng trong vấn đề liên quan đến bầu cử chưa, thưa ông?

- Tại Đại hội XII, tôi chưa thấy  T.Ư và Bộ Chính trị trình Đại hội để sửa Điều lệ trong vấn đề này. Vấn đề có thể được đề cập nhưng đó mới chỉ là góc độ chủ trương để chuẩn bị. Muốn sửa Điều lệ Đảng thì phải ra Đại hội.

Xin cảm ơn ông!