Cháy rừng dữ dội ở Indonesia đã gây ảnh hưởng xấu môi trường của nhiều nước Đông Nam Á. (Ảnh: Lính cứu hỏa nỗ lực dập cháy rừng ở đảo Sumatra). Ảnh: AFP
Báo cáo năm nay được hàng trăm chuyên gia đánh giá và phân tích sâu về 29 nguy cơ khác nhau đối với toàn cầu, dựa trên hai tiêu chí khả năng tác động và khả năng xảy ra. Đây là lần đầu tiên nguy cơ về môi trường đứng đầu trong các nguy cơ toàn cầu kể từ khi báo cáo thường niên này được xuất bản. Các nguy cơ tiếp theo tương ứng lần lượt là vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng nguồn nước, cuộc khủng hoảng di cư quy mô lớn và sự “lao dốc” của giá năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ.
WEF cho biết trong suốt 11 năm lập báo cáo đánh giá về những nguy cơ toàn cầu, chưa bao giờ danh sách các nguy cơ trải rộng đến vậy. Lần đầu tiên có tới 4 trong tổng số 5 lĩnh vực, gồm- môi trường, địa chính trị, xã hội và kinh tế- được xếp trong danh sách 5 nguy cơ có ảnh hưởng lớn nhất. Lĩnh vực còn lại không nằm trong danh sách này là công nghệ, với đại diện cao nhất là các cuộc tấn công mạng, cũng chỉ ở vị trí thứ 11 trên cả hai tiêu chí.
Sự sụt giảm giá năng lượng là nguy cơ đứng thứ 2 và xuất hiện trong top 5 nguy cơ đối với các doanh nghiệp tại 93 nước. |
Những nguy cơ địa chính trị, trong đó xung đột giữa các quốc gia có ảnh hưởng tới khu vực, được xếp vào nguy cơ hiện hữu nhất năm 2015, cũng đang ngày một rõ ràng. Trong khi xung đột giữa các quốc gia đã tụt xuống vị trí thứ 4 xét về khả năng xảy ra, vũ khí hủy diệt hàng loạt được đưa lên vị trí thứ 2 về tác động, cao hơn một bậc so với năm ngoái và là vị trí cao nhất trong báo cáo của WEF.
Trong khi đó, xét về khả năng xảy ra, nguy cơ mang tính toàn cầu số 1 trong năm 2016 được đánh giá là nạn di cư bắt buộc, xếp trên cả vấn đề thời tiết cực đoan, thất bại trong việc giảm thiểu và thích ứng với sự biến đổi khí hậu, vấn đề xung đột xuyên quốc gia với tác động tầm khu vực và những thảm hoạ thiên tai lớn.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh số nạn nhân tử vong vì những nguy cơ toàn cầu đang ngày một gia tăng. Khí hậu nóng lên trong năm 2015 làm cho nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái đất lần đầu tiên tăng cao 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), số lượng người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa năm 2014 là 59,5 triệu, tăng gần 50% so với năm 1940.