Dân Việt

Trồng cây cảnh, cả làng sắm ôtô

11/07/2011 06:21 GMT+7
Chỉ vài năm trước, người dân xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn phải đạp xe khắp nơi kiếm sống, nhưng giờ không ít người đã thành ông chủ có cỡ ngồi ôtô đời mới nhờ ươm trồng và bán cây cảnh.

Nghề trồng cây cảnh ở Triệu Đề ban đầu chỉ là thú chơi tiêu khiển của một số ít người, dần dần thú chơi này kiếm ra tiền tỷ cho nhiều người trong xã.

Đến nay, Triệu Đề đã có tới 1.920 hộ trồng cây cảnh, chiếm 95% số hộ trong xã, trong đó có trên 200 hộ ươm trồng cây cảnh mang tính chuyên nghiệp, gần 100 hộ có vườn cây cảnh có giá trị từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng...

img
Vườn cây cảnh ở Triệu Đề. (Nguồn: Internet)

Hàng ngày, ở Triệu Đề có hàng trăm thương lái đến mua và chuyển cây cảnh đi bán. Không ít gia đình được khách hàng đến đặt cây và đặt tiền cọc đợi ngày đến nhận. Có cây cảnh giá 5-7 triệu đồng, nhưng có nhiều cây trị giá tới 1-2 tỷ đồng. Cây càng nhiều tuổi giá trị càng cao; cây có dáng đẹp thì định giá tùy theo hứng thú của người tiêu dùng...

Anh Nguyễn Văn Hậu, một ông chủ có tiếng tại địa phương, mới 27 tuổi đã sở hữu vườn cây có giá trị cả chục tỷ đồng, với ngôi biệt thự cùng 2 xe ôtô đời mới rong ruổi khắp nơi để kinh doanh cây cảnh. Ít ai trẻ tuổi lại có được thành công như anh từ nghề trồng cây cảnh. Vốn là người yêu thiên nhiên, mê cây cảnh từ nhỏ, lại nhận thấy nhu cầu về cây cảnh tăng nhanh, anh Hậu quyết định bỏ nghề đan lát, đầu tư vốn mua cây về tự nhân giống và mầy mò chăm sóc.

Anh Hậu đã đi tìm mua những cây cảnh quý hiếm ở miền Trung, miền Nam, thậm chí sang cả nước bạn Lào và Campuchia tìm cây mang về địa phương trưng bày và buôn bán. Hiện trong vườn nhà anh có trên 100 cây cảnh với rất nhiều chủng loại, kích cỡ, tuổi tác.

Theo anh Hậu, để có được một cây cảnh đẹp rất khó, đòi hỏi vừa có óc tưởng tượng, con mắt thẩm mỹ, vừa phải biết kiên trì, công phu, tỷ mỷ. Qua bàn tay của “nghệ nhân”, những cây “bồm”, cây “xấu”, cây "vô thế", "vô dáng" đã trở thành những cây mang những ý nghĩa khác nhau.

Việc đặt tên cho cây cũng rất “nghệ thuật”, cây dáng “trực” thể hiện cho sự cương trực, thẳng thắn mạnh mẽ; cây dáng “huyền” biểu hiện cho sự yểu điệu, hiền hậu, cây dáng “phụ tử, mẫu tử” thể hiện tình yêu thương, sự bao dung, nhân từ... "Bên cạnh những dáng cây được các bậc tiền nhân đặt hiệu, chúng tôi còn phải sáng tạo cho phù hợp với thị hiếu của khách. Có khi anh em phải bàn luận đến vài ngày mới đặt được tên cho cây cảnh," anh kể.

Thị trường cây cảnh tại địa phương rất đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại cây có giá trị, các hoạt động buôn bán và sưu tầm cây cảnh tại địa phương diễn ra rất sôi nổi và mang lại giá trị kinh tế rất cao. Nghề cây cảnh đã kéo theo sự phát triển của các nghề khác như làm đá cảnh, làm ang chậu, làm gỗ lũa và nghề nuôi chim cảnh. Nghề này đã kéo theo 51 hộ đi làm đá, tạo thế và ghép cây, có khoảng 20 gia đình với khoảng 140 nhân công làm ang chậu.

Bên cạnh đó, một số gia đình đã bắt đầu nuôi và sưu tầm chim cảnh, gỗ lũa; những sản phẩm phụ kiện tạo thêm nét đẹp, nên thơ cho các vườn cây. Những ngành nghề này đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương với mức 2,5 - 3 triệu đồng/tháng/người. Có thể nói, chính quyền địa phương đã có một hướng đi đúng trong công tác chuyển dịch cơ cấu, phát triển ngành nghề tại địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh (SVC) Xã Triệu Đề cho biết nghề ươm trồng cây cảnh của xã Triệu Đề là một nghề mới, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Doanh thu từ nghề nghề trồng cây cảnh hàng năm đều tăng cao, năm 2009 doanh thu từ cây cảnh đạt 15 tỷ đồng, sang năm 2010 doanh thu đã tăng lên 26 tỷ đồng đạt 19% tổng thu ngân sách địa phương, dự kiến năm 2011 doanh thu sẽ còn tăng gấp đôi.

Nghề mới đã góp phần đưa thu nhập bình quân của địa phương từ 11 triệu đồng/người năm 2009 lên 18 triệu đồng/người năm 2011. Toàn xã có trên 50% là hộ khá, giàu, trong đó đã có cả trăm gia đình mua được ôtô đời mới, xe tải chuyên dụng phục vụ chuyên chở hàng hóa nhờ nghề trồng cây cảnh.

Ông Nhân cho biết, sắp tới Hội sẽ đề nghị tỉnh công nhận xã Triệu Đề là cụm làng nghề trồng và buôn bán cây cảnh; đồng thời liên kết ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan và Singapore để mở rộng giao lưu học hỏi kỹ thuật ươm, trồng, cắt, tỉa, ghép cây, ghép đá và chăm sóc cây cảnh, tìm hướng đưa cây cảnh Triệu Đề đi xuất khẩu.

Theo TTXVN/Vietnam+