Xã Trung Tâm có 862 gia đình với gần 4.000 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc (Dao Trắng, Tày, Nùng, Kinh) chung sống, trong đó dân tộc Dao Trắng chiếm 68%. Trước đây, đồng bào Dao chỉ biết lên nương lên rẫy nên gia cảnh thường xuyên túng thiếu. Để giúp người Dao thoát nghèo, cùng với hướng dẫn bà con đầu tư chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, trồng lúa nước... xã vận động họ thay cây ngô, lúa trên rẫy bằng cây chè.
Những nương chè đang phủ xanh đồi trọc ở Trung Tâm. |
Đói nghèo lùi xa
Năm 1996, xã Trung Tâm lập dự án trồng chè. Ban đầu chỉ có vài gia đình người Dao ở các thôn Khe Lạnh, Sài Trên, Làng Đát, Sài Lớn tham gia. Để giúp bà con làm quen với cây trồng mới, cán bộ khuyến nông xã đến từng hộ hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc chè. Những nương ngô, nương lúa, những quả đồi trọc dần được thay thế bằng màu xanh của chè. Cây chè lan ra những mảnh đất trống, những khoảnh đồi còn bỏ trống... Trồng chè không phải làm việc quần quật như trồng ngô, lúa rẫy, thu hoạch xong là có tiền ngay nên đồng bào rất phấn khởi.
Đến nay toàn xã có hơn 50ha chè. Nhà trồng nhiều mỗi năm thu hàng chục triệu đồng, gấp nhiều lần trồng ngô và lúa nương trước đây. Điển hình như gia đình ông Trương Văn Thảnh ở thôn Sài Dưới. Trước đây gia đình ông Thảnh và bà con dân bản chỉ biết đốt nương làm rẫy, lên rừng hái măng, hái chít, quanh năm cực nhọc mà vẫn thiếu ăn. Từ khi trồng 15 sào chè, ông đã có tiền sửa sang nhà cửa, cho con cái đi học...
"Mỗi năm bán chè, tôi có hơn chục triệu đồng, vợ con và tôi cũng không vất vả như trước nữa. Nhiều nhà trồng chè có tiền sửa sang nhà cửa, mua ti vi, xe máy, cho con em đi học...” - ông Thảnh tự hào kể.
No ấm đang về
Đưa được cây trồng mới vào sản xuất, xã tiếp tục tìm cách nâng cao giá trị cây chè cho bà con. Chính quyền và các đoàn thể ở xã đã bàn bạc, phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện cho một số hộ vay vốn để mua máy chế biến chè. Đến nay trong xã có 4 hộ mua máy sao chè.
Gia đình anh Lê Hồng Thám có máy nên mỗi ngày thu mua 4-5 tạ chè tươi. Với dịch vụ này, mỗi năm gia đình anh thu hàng chục triệu đồng. Anh Thám tâm sự: "Ruộng nương nhà tôi ít lắm, thấy bà con trồng chè nhiều mà phải bán đi nơi xa, tôi vay Ngân hàng CSXH huyện mua máy sao chè. Chè sao khô rất dễ bán. Gia đình tôi từ khi làm chè đã có của ăn của để".
Trung bình mỗi năm chè đem về cho người dân xã Trung Tâm hơn 500 triệu đồng, cao thứ 2 sau cây lâm nghiệp của xã. Giống chè bà con trồng là chè Kim Tiên và Bát Tiên nên dễ tiêu thụ và có giá bán cao. Hiện nay, giá mỗi cân chè tươi là 8.000 đồng, chè khô 80.000 đồng...
“Trước đây tình trạng đốt nương, phá rừng làm rẫy ở Trung Tâm thường xuyên xảy ra, đói nghèo đeo đẳng trong nhiều gia đình. Từ khi trồng chè, bà con không đốt nương làm rẫy nữa, cuộc sống thay đổi hẳn. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 3-5%” - ông Lý Văn Quy - Chủ tịch UBND xã vui mừng cho hay.
Triệu Huấn