Ấy vậy mà ở An Giang vẫn có chuyện người bán vé số không được vào nhà vệ sinh. Ở Tiền Giang, sếp ngành tài chính nói, vé số dạo thu nhập tốt, nhờ vé số mà nhiều người thành thạc sĩ, tiến sĩ. Ông nói, có người tàn tật “bán một ngày 3.000 tờ” - tức thu nhập cả trăm triệu đồng tháng.
Ông này đích thị là “thánh chém gió” bởi, người bán vé số thực chất khổ hơn ăn mày. Ăn mày không bị cướp, còn người bán vé số, bị cướp như cơm bữa, phải giật gấu vá vai, chạy ăn từng bữa.
Người bán vé số nhận bánh mì ở thành phố Tân An.
Sáng tinh mơ 25.1, anh kỹ sư xây dựng Phạm Hoài Phong (30 tuổi, công tác tại Công ty Công trình đô thị Tân An, thành phố Tân An, Long An) cùng một số bạn trẻ đẩy thùng bánh mì ra trước sân một doanh nghiệp trên đường Mai Thị Tốt. Một bạn trẻ khác chở thêm bình nước loại 20 lít đặt dưới thùng bánh mì. Anh Phong và các cộng sự dán phía trước thùng dòng chữ "Từ thiện, miễn phí: Một người - một ổ".
Xong việc, cả nhóm... lót dép ngồi hóng khách. Vài người vé số đi ngang, nhìn thùng bánh mì một cách lạ lẫm. Chần chừ nửa muốn lấy, nửa e dè, họ bỏ đi luôn.
Anh Phong và nhóm bạn vội chạy theo, giải thích, “mời chú ăn bánh mì”. Một người đàn ông trung niên đi xe lăn "xung phong" nhận bánh. Và ông ăn luôn tại chỗ, ngon lành. Như thấy "thiếu thiếu" gì đó, một bạn trong nhóm anh Phong tốc hành đi mua thêm mấy hộp sữa đặc. Bánh mì chan sữa, người bán vé số ngon miệng hơn. Các thành viên cũng cùng ăn với người bán vé số.
Anh Phong chia sẻ: “Câu lạc bộ Thiện Tâm của mình có hơn 70 thành viên, hoạt động bằng tiền túi được vài năm nay, định kỳ hàng tháng đi thăm và tặng quà cho người nghèo một lần. Ai cũng phải làm việc nên tụi mình trao đổi qua mạng xã hội. Mấy hôm nay, chúng tôi rất đau trước việc người bán vé số bị phân biệt đối xử. Chúng tôi bàn với nhau mỗi ngày mua 100 ổ bánh mì tặng người bán vé số. Ngoài sữa, các bạn trong nhóm sẽ tự làm thêm đồ chua, muối tiêu để các cô chú vé số đổi vị". Thấy tôi nhìn người bán vé số phải ngồi xuống mới lấy được nước "dáng có vẻ không đẹp", anh Phong giải thích ngay: "Tủ bánh phải thấp vì có nhiều cô chú phải đi xe lăn. Do đó, thùng nước bên dưới sẽ hơi thấp một chút, người lành lặn phải ngồi nhưng người đi xe lăn sẽ thuận tiện..."
Đang dở câu chuyện, anh Phong... xem đồng hồ và cáo lỗi vì thứ Hai phải chào cờ, đi làm sớm.
Một thành viên trong nhóm anh Phong, sinh viên Huỳnh Phương Vũ Trụ, được giao nhiệm vụ dọn thùng sau khi hết bánh cho biết, cả nhóm quyết định tết này sẽ có chương trình "Ăn Tết cùng người vé số": "Tụi em đã chuẩn bị quà Tết xong hết rồi. Ngoài đồ khô ăn Tết, tụi em đã chuẩn bị một nồi thịt kho tàu khổng lồ, biếu các cô chú vé số xa quê ở lại ăn Tết với tụi em".
Những bạn trong câu lạc bộ Thiện Tâm cho biết, người bán vé số trăm phần trăm có cuộc sống khó khăn, một tháng bán 3.000 tờ vé số, kiếm hơn 3 triệu đồng không phải là chuyện dễ. “Tụi em đi theo những người bán vé số, biết nhiều người sống tạm bợ. Sang lắm là thuê nhà giá rẻ, có khia 2 - 3 hộ ở ghép vì không có tiền. Họ xài lò xô, đốt dầu, muốn có nồi thịt kho tàu ăn Tết thì lò xô làm sao mà nấu. Anh em bàn nhau, ngoài quà tết, mỗi người bán vé số còn được biếu một hộp thịt kho tàu. Dù họ ở nhà thuê hay ở tạm gầm cầu thì cũng được một chút hương vị ngày tết” - một thành viên câu lạc bộ Thiện Tâm nói.
Cũng trong sáng 25.1, các bạn trẻ này đã trao 150 phiếu tặng quà tết cho người bán vé số ở thành phố Tân An, theo tiêu chí “ưu tiên người già và người tàn tật”, mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng. “Nhóm tụi em đâu có ai giàu. Thôi thì người nghèo thương nhau, chứ quan chức vé số họ không hiểu đâu. Nhà báo mà không chê tụi em nghèo, mời ngày 28 Tết cùng tụi em ăn tết với các cô chú vé số” - một bạn trẻ rủ rê.
Nhìn ánh mắt của các bạn, tôi chắc rằng, cái tết năm nay của người bán vé số ở đô thị nhỏ xíu Tân An sẽ ấm áp hơn. Ấm, không chỉ từ nồi thịt kho tàu nóng hổi do các bạn tự nấu, mà còn ấm vì xã hội có lạnh lẽo thì lòng tốt vẫn nở hoa.
Tôi không giàu. Các bạn cho tôi cùng “ăn tết vé số” nhé!