Dân Việt

Kiên Giang sắp công bố thiên tai

huỳnh xây 27/01/2016 14:49 GMT+7
Tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra vô cùng gay gắt và có chiều hướng phức tạp. Tại Kiên Giang - địa phương có diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang phải “gồng mình” chống chọi với hạn, mặn khóc liệt.

Khô, hạn đe dọa hàng chục ngàn ha lúa

img

Do nước mặn xâm nhập nên nhiều diện tích lúa ở huyện An Minh (Kiên Giang) bị chết.  
Chánh Minh

Ngày 25.1, theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, thời tiết nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn sâu đã làm thiệt hại nặng nề hơn 30.000ha  lúa mùa và đông xuân. Diện tích bị thiệt hại chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, cụ thể: Huyện An Biên 7.337ha, huyện Vĩnh Thuận 8.316ha và  huyện An Minh là 14.335ha. Trong đó, diện tích bị thiệt hại trên 70% là 15.668ha.

Tăng đầu tư công trình ngăn mặn

PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ) nhận định: Tình trạng xâm nhập mặn cũng như khô hạn kéo dài là do tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Tác động này làm ảnh hưởng ngày càng rõ rệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động nông nghiệp, đời sống người dân. Để ứng phó với nó, ở những vùng bị ảnh hưởng phải sử dụng cây trồng chịu được hạn, mặn. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống ngăn mặn, trang bị máy đo độ mặn cho cả người dân nông thôn. Riêng người dân tận dụng mọi điều kiện để trữ nước ngọt, tránh chủ quan để rồi thiệt hại.

Nhiều hộ dân ở huyện An Biên cho biết, những năm trước đây, tình trạng hạn, mặn có diễn ra, theo đó người dân vẫn canh tác được theo mô hình 1 vụ lúa + 1 vụ tôm. Riêng vụ lúa đông xuân 2015-2016 này, khô hạn kéo dài làm cho hàng nghìn ha lúa trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng. Tại xã Nam Thái A, ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều diện tích lúa gần tới kỳ thu hoạch bị còi cọc, trên bông lúa chỉ có vài hạt, mặt ruộng thì bị nứt nẻ đã rất nhiều ngày.

Lão nông Lê Vĩnh Tâm ở xã Nam Thái A, huyện An Biên có 1 ha lúa mùa gần như bị thất trắng, cho hay: “Chưa bao giờ hạn, mặn gay gắt như vậy, từ đầu vụ tới nay liên tục gặp nắng nóng nên lúa nhà tôi không phát triển nổi, có cây được vài bông, có cây thì không trổ được bông nào. Vụ này coi như mất mùa, đã nợ chủ đại lý tiền vật tư nông nghiệp mấy vụ lúa trước, vụ này lại nợ tiếp”.

Cũng theo ông Tâm, nhiều diện tích lúa ở xã Nam Thái A đều gặp tình trạng tương tự. Người dân chỉ biết đứng nhìn và “than trời”. Tương tự, xã  Nam Yên cũng đang trong tình trạng thiếu nước, khô hạn nghiêm trọng. “5.000m2 của gia đình tôi bị thiệt hại trên 90% vì hạn, mặn. Thời tiết bây giờ thay đổi thất thường khiến cho người trồng lúa lúc nào cũng khốn đốn, cũng bị thiệt hại” - ông Bùi Văn Tâm ngụ xã Nam Yên buồn rầu nói.

Theo ông Ngô Trấn Hỷ - Trưởng phòng NNPTNT huyện An Biên: Vụ lúa mùa này, toàn huyện có gần 2.800ha bị thiệt hại, trong đó gần 1.800ha mất trắng (trước đó, vụ hè thu huyện này có gần 5.700ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%). Những giếng khoan được sử dụng để lấy nước phục vụ sản xuất lúa những năm trước đã bị hụt nước, không còn tác dụng.

Tại các huyện An Minh, Vĩnh Thuận... cũng gặp tình trạng tương tự, các diện tích đất chuyên trồng lúa thì bị khô hạn, các diện tích ao tôm được sử dụng để trồng lúa theo mô hình luân canh 1 vụ tôm + 1 vụ lúa thì bị mặn xâm nhập do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng đồng bộ…

Cấp bách công bố

UBND tỉnh Kiên Giang vừa kiến nghị T.Ư hỗ trợ 36,3 tỷ đồng để ứng phó với hạn, mặn trong mùa khô 2015-2016. Số vốn trên nhằm để nạo vét kênh thủy lợi trữ ngọt, nâng cấp cống ngăn mặn, mua máy bơm, giải quyết nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở các vùng sâu...

Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, việc sản xuất lúa ở các địa phương có diện tích đang chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn nói trên phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Vì vậy, khi khô hạn kéo dài ở mức kỷ lục như năm nay đã khiến cho người dân lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay.

Ông Đoàn Văn Thanh – Phó Chánh Văn phòng Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang nhận định: “Hiện nay, trong điều kiện thời tiết nắng nóng và xâm nhập mặn sâu tiếp tục diễn ra thì tổng diện tích thiệt hại có thể tăng lên”.

Chiều 25.1, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Quang Củi – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Chúng tôi đang thống kê thiệt hại, trình UBND tỉnh để công bố thiên tai, từ đó mới có thể làm thủ tục hỗ trợ tiền cho bà con theo quy định. Nếu bị thiệt hại năng suất từ 70% trở lên sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha”.

Ông Củi cũng nhận định, thời gian qua, việc sản xuất lúa của người dân bị ảnh hưởng rất lớn bởi hạn, mặn, đặc biệt là vùng U Minh Thượng khi không có nguồn nước ngọt bổ sung. Để tình trạng này không tái diễn ở những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cần tính toán quy hoạch lại vùng sản xuất, chuyển từ sản xuất lúa sang nuôi thủy sản hoặc trồng những loại cây phù hợp.