Từ chuyện cái “nhà vệ sinh”...
Theo báo cáo, ở Bắc Sơn, năm 2015 có 210 hộ gia đình cần phải có nơi vệ sinh cá nhân đảm bảo sạch sẽ (nghĩa là có khoảng 1/2 hộ gia đình toàn xã không có công trình phụ). Để không còn cảnh “đi đồng” như trước là cả một quá trình vận động, thuyết phục nhằm thay đổi cách nghĩ và tác động tới cách làm của bà con.
Lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên tham gia dọn vệ sinh môi trường tại Bắc Sơn.
Ông Vương Đức Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, nói: “Muốn làm nông thôn mới và giải quyết tận gốc tiêu chí về “môi trường”, đầu tiên là cán bộ phải hướng dẫn bà con cách… đi vệ sinh! Nói vui, nhưng cũng rất thật, bởi đặc thù vùng miền, nếu như không biết hướng đến nhu cầu thiết thân của bà con thì đâu thể tuyên truyền những điều cao xa hơn”.
Bằng sự vào cuộc tích cực của mỗi cán bộ, như “mưa dầm thấm lâu”, các hộ dân nơi đây đã nhận thức rõ về vấn đề vệ sinh, văn minh và bắt tay xây mới công trình phụ. Từ nhiều nguồn huy động, xã Bắc Sơn hỗ trợ mỗi hộ dân 3,5 triệu đồng để xây mới nhà vệ sinh, nhà tắm.
Khi đã “hiểu vấn đề”, hầu hết các gia đình đã thêm tiền để xây dựng công trình phụ, có công trình lên tới cả chục triệu đồng. Sự thay đổi và đổi mới không chỉ là vấn đề kinh phí, mà quan trọng là người dân đã nghe theo, làm theo cán bộ, nhận thức rõ được việc cần làm.
Sự đổi thay trong cuộc sống, trong sinh hoạt, xoá bỏ hủ tục, ăn ở kém vệ sinh của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Sơn thật đáng trân trọng. Đây được coi như một “cuộc cách mạng” về đổi mới tư duy của bà con.
Ông Choỏng Sao Chắn (bản Phình Hồ) đã bỏ ra 15 triệu đồng để xây mới nhà tắm, nhà vệ sinh, cải tạo gian bếp. Từ mô hình điểm ở gia đình ông Chắn, nhiều hộ xung quanh đã mạnh dạn làm theo, cải tạo khang trang nơi ăn chốn ở. Đến nay, xã có gần 190 công trình phụ sạch đẹp đã hoàn thành.
Đến cách cán bộ “cùng làm với dân”
Là xã vùng cao, biên giới với 430 hộ dân, 1.793 nhân khẩu, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, Bắc Sơn có xuất phát điểm về nông thôn mới gần như thấp nhất TP Móng Cái. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung sức, chung tay của nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh, cán bộ và nhân dân Bắc Sơn đã phát huy cao độ tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy vai trò chủ thể của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Mỗi cán bộ xã là “đầu tàu” tích cực, gương mẫu trong tất cả các phần việc. Bí thư Đảng uỷ xã Bắc Sơn Nguyễn Hữu Toàn tâm sự: Chúng tôi luôn duy trì chế độ anh em “đi cơ sở”, xuống tận thôn, bản để cầm tay, chỉ việc, cùng cày cuốc, cùng tham gia dọn vệ sinh… Ở đây, bà con thấy cán bộ làm mới tin yêu, cảm mến, từ đó làm theo.
Bắc Sơn phấn đấu trước năm 2018 sẽ hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định. Nói như Bí thư Thành uỷ Móng Cái Nguyễn Xuân Ký: Bắc Sơn “về đích” nông thôn mới không phải chỉ là để đảm bảo các tiêu chí theo quy định thông thường, mà xây dựng nông thôn mới là góp phần xây dựng, củng cố cột mốc lòng dân vững chắc hơn!