Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1.4.2009, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên là 9% thì đến năm 2010, con số này là 9,4% (tăng 0,4%). Đến năm 2050, VN có hơn 28 triệu NCT.
Kinh nghiệm sống của người già sẽ là tài sản quý báu cho con cháu. |
“Già hóa không phải là gánh nặng mà là một tiến trình tất yếu, là một thành tựu”. Ông Dương Quốc Trọng- Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nêu quan điểm về tốc độ già hóa phi mã hiện nay của VN. Nhưng muốn thành tựu phát triển rực rỡ, chúng ta phải chuẩn bị ngay từ ngày hôm nay để đón nhận thực tế chung: Thế giới đang già đi.
Già hóa là một thành tựu
Hai năm trước, chúng ta đang bàn luận về việc tận dụng cơ hội dân số vàng (tỷ lệ người lao động gấp đôi người phụ thuộc) để phát triển, làm giàu. Nhưng chưa kịp giàu, thì năm nay, theo TS Dương Quốc Trọng, VN chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số”.
Điều đặc biệt là dân số VN có tốc độ già hóa phi mã so với nhiều nước trên thế giới. Ông Bruce Cambell - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho biết, nếu như Mỹ mất gần 100 năm, Thụy Điển mất 85 năm, Nhật Bản mất 26 năm, Thái Lan mất 22 năm mới chuyển từ “già hóa” sang “già” thì VN chỉ mất chưa đầy 20 năm.
Khi các nước giàu hơn có thời gian chuẩn bị để giảm gánh nặng dân số già thì VN - một nước vừa thoát nghèo, lại có quá ít thời gian. Khi tuổi già "sồng sộc đi tới", VN sẽ phải oằn vai gánh nặng những vấn đề về an sinh xã hội: Y tế, bảo hiểm, cơ cấu gia đình, nhà ở, việc làm hay chăm sóc NCT tại cộng đồng... Chi phí chăm sóc y tế cho 1 NCT gấp 8 lần cho 1 đứa trẻ.
Tuy nhiên, TS Dương Quốc Trọng khẳng định: "Khi chúng ta già nhanh có nghĩa là đời sống kinh tế được nâng cao, tuổi thọ cao, tỷ lệ chết sau sinh giảm. Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu. Quan trọng là chúng ta làm gì để chuẩn bị đón nhận, giảm thiểu những gánh nặng và rủi ro".
Cần nhiều chính sách cho NCT nữ
Tuổi thọ của nữ giới cao hơn nam giới. Nếu như độ tuổi 60- 69, cứ 131 cụ bà có 100 cụ ông thì độ tuổi 70-79, 149 cụ bà mới có 100 cụ ông, còn trên tuổi 80 thì số cụ bà gấp đôi số cụ ông. Tuy sống lâu hơn nam giới, nhưng phụ nữ lại chịu nhiều rủi ro hơn nam giới như thu nhập thấp (hoặc không có thu nhập), nhiều bệnh tật, ít được khám chữa bệnh... Năm 2009, hơn 50% nữ giới trên 60 tuổi sống đơn thân (chủ yếu là goá chồng), 4,4% phụ nữ tuổi 50-54 ly thân hoặc ly hôn.
Vì thế, theo bà Trần Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình): "Khi xây dựng chính sách dành cho NCT cần phải có những điều khoản hoặc chính sách riêng dành cho nữ giới để đảm bảo chất lượng sống cho NCT nữ và giảm thiểu gánh nặng cho xã hội".
Bà Nobuko Horibe - Giám đốc Văn phòng UNFPA khu vực châu Á- Thái Bình Dương khẳng định: "Già hóa dân số chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức, nhưng không nên chỉ coi đây là một gánh nặng cho xã hội. Người khỏe mạnh sống lâu hơn và có thể làm việc lâu hơn".
TS Dương Quốc Trọng cũng cho rằng, kinh nghiệm chính là tài sản vô giá của NCT, vì thế, Nhà nước cần có các chính sách để khai thác, tận dụng mỏ "vàng" này để phát triển kinh tế đất nước.
Diệu Linh