Dân Việt

"Đói" giống bản quyền, làm sao thành cường quốc hoa?

Minh Phúc 30/01/2016 17:53 GMT+7
Ngay tại xứ sở hoa Đà Lạt, niềm tự hào của ngành sản xuất hoa Việt Nam, ông Nguyễn Trúc Bồng - GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận rằng, chỉ khoảng 20% giống rau, hoa tại đây sản xuất có bản quyền giống.

Điều đó nói lên điều gì? Người trồng hoa quá “đói” nguồn giống có bản quyền. Và khi là thân phận của một “kẻ vô danh”, cành hoa thắm đến mấy cũng không thể xuất khẩu được sang các thị trường khó tính.

img

Nếu không sản xuất các giống hoa có bản quyền, đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hoa Việt không thể vươn ra thế giới

Èo uột ngành sản xuất giống hoa

Mặc dù Việt Nam được coi là quốc gia có diện tích trồng hoa khá lớn, tương đương với Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ 5 châu Âu về lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo TS Lê Đức Thảo, Trưởng Bộ môn Đột biến và ưu thế lai (Viện Di truyền Nông nghiệp), đối với thị trường quốc tế, hoa Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 4 - 5% tổng sản lượng (chủ yếu là của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài).

 Trong khi đó, ngay tại thị trường trong nước, đặc biệt là các thành phố lớn đang hàng ngày phải nhập một lượng hoa chất lượng cao không nhỏ, với giá trị lên tới hàng triệu USD. Những giống hoa bản địa có bản quyền của ta đã rất “lỗi mốt” so với thú chơi hoa của người tiêu dùng quốc tế.

Trong khi đó, kỹ thuật nhân giống hoa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, do đó chất lượng không cao so với các loại cây trồng khác, sâu bệnh nhiều, từ đó làm giảm chất lượng.

TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: “Ngành hoa tạo ra hệ thống việc làm rất phong phú, từ người sản xuất giống, sản xuất bình, chậu cảnh, sản xuất giá thể, vận chuyển... Chúng ta có tiềm năng để phát triển trồng hoa, nhưng lại chưa tạo ra được ngành kinh tế hoa. Muốn làm được như vậy, cần phải tăng cường nghiên cứu khoa học - công nghệ để tạo ra giống mới; mua bản quyền tiến bộ kỹ thuật mới để đi trước đón đầu công nghệ tiên tiến của thế giới...".

Vậy, cần làm gì để Việt Nam có giống hoa chất lượng tốt? TS Lê Đức Thảo cho rằng, trước nhất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại (sinh học phân tử và đột biến phóng xạ...), đẩy mạnh việc nghiên cứu chọn tạo giống mới có bản quyền Việt Nam.

 Đồng thời, đẩy mạnh mua bản quyền giống thương mại để có thể xuất khẩu. Bởi hiện nay người trồng hoa đang gặp khó khăn khi liên hệ để mua giống thương mại có bản quyền. Cần phải có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết, có thể qua hiệp hội hoa, trung tâm khuyến nông địa phương. Có thể mua các giống có chất lượng đã hết thời hạn bảo hộ của nước ngoài, phục vụ cho sản xuất.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả chia sẻ, hiện nguồn giống hoa lay ơn sản xuất ở Việt Nam chủ yếu nhập từ Hà Lan. Tiêu chuẩn xuất khẩu loài hoa này là 12 bông hoa/cành. Viện Nghiên cứu rau quả đã tạo ra những giống hoa lay ơn có tới 18 bông/cành (thừa tiêu chuẩn xuất khẩu).

Thế nhưng, Viện không đủ năng lực nhân giống hoa này ra để trồng theo quy mô hàng hóa, bởi cơ sở vật chất của đơn vị rất hạn chế, trong khi đây là lĩnh vực tốn rất nhiều thời gian và vốn đầu tư. Nếu không có nguồn hỗ trợ thì khó có thể thực hiện được.

 Chính sách thuế cản trở đầu tư?

Ngoài thiếu giống bản quyền, chúng ta còn thiếu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng trồng hoa. Nông nghiệp công nghệ cao phải có nhà xưởng, có máy móc thiết bị, công nhân lành nghề, phải có quy trình kỹ thuật.

img

Nụ cười rạng rỡ của người trồng hoa ở Mê Linh khi loa kèn được mùa, được giá

Nhà kính mà nông dân hay các công ty ở Việt Nam nhập về từ nước ngoài cũng phải 5 tỷ đồng/ha. Người sản xuất hết lòng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Nhưng nhiều cơ chế, chính sách của nhà nước đưa ra lại có quá nhiều bất cập.

Theo ông Trần Duy Đường, chúng ta chưa có chính sách thuế phù hợp để thúc đẩy ngành trồng hoa công nghệ cao phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Doanh nghiệp nông nghiệp đa phần là "siêu nhỏ". Nếu là nông dân sản xuất theo trang trại thì càng thua thiệt hơn, họ không được hoàn thuế.

Thứ hai, doanh nghiệp nông nghiệp ở Đà Lạt nhập thiết bị, máy móc từ Trung Quốc thuế suất 17%, nhập từ EU thuế suất 20%. Với thuế xuất này cộng với thuế VAT 10% thì cả doanh nghiệp và nông dân làm trang trại bị cản trở đầu tư công nghệ cao thay vì được khuyến khích(!).