Những bước tiến đó giúp Mường Nhé thành khu vực phòng thủ vững chắc, là “phên giậu” vững vàng nơi biên cương Tổ quốc...
Bài 1: Những dấu ấn thay đổi
Biết tôi chuẩn bị lên Mường Nhé, anh bạn đồng nghiệp cẩn thận đưa cho bộ quần áo mưa với lời dặn: Nhớ luôn mặc quần áo mưa để vừa tránh bụi, vừa tránh mưa bất chợt dọc đường. Mùa này đến Mường Nhé không gặp 5- 6 cơn mưa bất chợt dọc đường thì tôi không... làm người. Gặp khó khăn ở đâu cứ gọi Bộ đội Biên phòng là ổn hết...
Tuyến đường nhựa 2 chiều rộng rãi xuyên suốt trung tâm huyện Mường Nhé . |
Phố núi sôi động
Từ TP.Điện Biên Phủ, vượt hơn 200km theo tỉnh lộ 131, gần 22 giờ đêm, tôi cũng đến được với xã Mường Nhé - trung tâm huyện lỵ. Dưới ánh sáng loá mắt của những cột đèn đường, trung tâm huyện lỵ bừng bừng sắc màu và sự sôi động của đô thị mới. Con đường nhựa hai chiều xuyên suốt trung tâm xã với hàng cột đèn thẳng tắp, rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ. Những công sở, nhà dân cũng tưng bừng điện chiếu sáng và biển quảng cáo, quán xá đông vui và người đi lại nhộn nhịp trên phố...
Ông chủ nhà nghỉ Dũng Hiền ở xã Mường Nhé không giấu vẻ tự hào: Từ khi trung tâm huyện lỵ chuyển vào đây, nhất là từ năm 2008 khi con đường nhựa được hoàn thành, Mường Nhé chúng tôi đã có những đổi thay chưa từng có. Chính gia đình tôi cũng bỏ phố lên rừng trong 3 năm nay vì sức hút của đầu tư phát triển nơi cực Tây của Tổ quốc này. Chú cứ vào nhà nghỉ ngơi, thích karaoke thì gọi nhé, nhà có mấy phòng hát, bàn bi- a liền kề đấy...
Mường Tè là huyện mới được thành lập từ năm 2002 nhưng khi đó trung tâm huyện đặt tại khu vực Chà Cang, cách xã Mường Nhé tới 80km. Năm 2006, trung tâm huyện mới chuyển về xã Mường Nhé như bây giờ. Có lẽ trong cả nước, Mường Nhé là huyện khó khăn hơn cả với 13 dân tộc anh em, hầu hết thuộc diện dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn với trình độ dân trí và đời sống vật chất ở mức rất thấp. Huyện Mường Nhé lại trải dài gần 200km, từ ngã ba biên giới A Pa Chải-Tá Miếu nơi tiếp giáp Việt-Trung-Lào tới tận xã Chà Cang- giáp huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Sự cách trở cùng địa hình đồi núi trập trùng, khe sâu thăm thẳm nên 16/16 xã của Mường Nhé đều thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn...
Mấy năm... hơn cả đời người
Trên căn phòng ở tầng 2 của trụ sở UBND xã Mường Nhé, ông Chu Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã vui vẻ kể lại cho tôi nghe chuyện đi đường về huyện của tròn 10 năm trước: Dân trong bản chúng tôi cứ nửa năm hoặc dịp tết đến lại rủ nhau ra huyện một lần để sắm hàng hoá mà thực chất là mua dầu, muối và vài bộ quần áo cho trẻ con.
Ngày ấy chưa có đường ô tô, nhiều người chưa biết cái xe máy như thế nào. Để vượt hơn trăm kilômét sang trung tâm huyện Mường Tè của Lai Châu (khi đó chưa thành lập huyện Mường Nhé), rất nhiều người muốn theo đoàn để được một lần tới huyện lỵ nhưng buộc phải loại khỏi đội hình vì lý do sức khoẻ.
Chúng tôi phải đi đông người để còn nương tựa vào nhau khi ốm đau, mưa lũ, gặp thú dữ, mang hàng nặng... Đợt nào thời tiết và sức khoẻ của đoàn thuận lợi thì cũng mất 4- 5 ngày đi đường/lượt, còn có người ốm thì khi trở về người mua sắm ít phải ăn hết cả quà mới đủ sống. Cán bộ xã mà thấy gọi đi họp huyện là sởn hết cả gai ốc như bị mất sổ lương...
Anh Sùng Páo Ly - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã nghe rôm rả cũng vào góp chuyện: Hơn 10 năm rồi tôi không trở lại con đường mòn dẫn ra trung tâm huyện Mường Tè ấy nữa, nhưng cứ nghĩ tới những lần vượt dốc Tà Tổng, đèo Ông Ma là lại có cảm giác tức ngực như đang trèo dốc thật. Đó mới là đi họp, đi chơi ở huyện cũ Mường Tè chứ nếu ra chơi TP. Điện Biên Phủ thì phải đi bộ hơn 200km, mất cả tháng mới được một chuyến, nên không ai dám nghĩ tới chuyện đi Điện Biên chơi. Nay thì thoát hẳn cảnh đó rồi, có đường Nhà nước mở, cán bộ đến với Mường Nhé chỉ trong một ngày, thế là gấp hàng chục lần so với 3 năm trước đây.
Để chứng minh sự đổi thay của Mường Nhé, ông Sâm chỉ cho tôi đến thăm nhà lão nông Lò Văn Tưởng. Trong niềm tự hào là "chủ nhân trang trại lớn nhất của xã Mường Nhé hôm nay", lão nông Tưởng giơ con dao rựa có cái mũi khoằm như mỏ vẹt, vòng một đường tròn trước mặt, khoe: "Cán bộ xem đi, cả cái khe Huổi Sủng này là trang trại của tôi đấy. Nào trâu, bò, lợn, gà, ngô, lúa, sắn, cây ăn quả... Nếu không thành lập cái trung tâm huyện này thì có làm trang trại cũng chẳng biết bán sản phẩm cho ai. Nay cứ ở nhà, ai cần cá, rau hay gà, lợn... cứ điện thoại đến là tôi mang hàng ra tận nơi. Ngày kiếm triệu bạc cũng là chuyện thường”.
----------------
Bài 2: Gặp lão nông yêu đất
Kiều Thiện