Dân Việt

Những tình huống ngoài sổ sách cuộc điều tra

11/07/2011 17:17 GMT+7
(Dân Việt) - Theo chân các điều tra viên điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình chúng tôi đã chứng kiến những khó khăn trong công việc của họ.

Từ cuối tháng 6, trên khắp địa bàn huyện miền núi Lương Sơn đâu đâu cũng thấy loa đài, băng rôn, khẩu hiệu… tuyên truyền cho cuộc tổng điều tra về NN-NT-TS.

img
ĐTV Nguyễn Thị Tư Ngọc thu thập thông tin tại gia đình ông Đỗ Công Dược (thôn Tân Hòa, Hòa Sơn).

Giấu thông tin là tự hại mình

Bà Nguyễn Thị Lê - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê, Phó ban chỉ đạo cuộc tổng điều tra huyện Lương Sơn cho biết: "Lương Sơn có 19 xã, 1 thị trấn, 216 địa bàn điều tra 19.500 hộ, với gần 300 cán bộ, điều tra viên (ĐTV) tham gia. Trong ngày ra quân (1.7), các ĐTV tỏa về các làng, xã, điều tra được khoảng 10% tổng số phiếu. Cuộc tổng điều tra lần này, các ĐTV phải thực hiện phỏng vấn lấy thông tin ở 4 loại phiếu (thông tin cơ bản về hộ; thông tin về trang trại; thông tin cơ bản về kết cấu hạ tầng; thông tin về kinh tế hộ nông thôn). Do được tập huấn kỹ, nên ngay ngày đầu ra quân đã rất ít sai sót".

Các ĐTV không quản mưa, nắng, tranh thủ cả ngày lẫn đêm để hoàn thành sớm, tốt nhất công việc. Anh Hoàng Anh Tuấn - ĐTV ở xã Nhuận Trạch cho hay: "Ngày đầu chưa có kinh nghiệm, nên phỏng vấn và vào phiếu hơi lâu. Mình rút ra kinh nghiệm, cứ phỏng vấn lần lượt theo mẫu phiếu, vừa nhanh lại chính xác. Do đang mùa cấy, bà con bận làm đồng, mình phải tranh thủ điều tra cả ban đêm mới gặp được chủ hộ".

Bác Hoàng Thị Lịch, thôn Tân Hòa (xã Hòa Sơn) đang phơi lạc, mồ hôi nhễ nhại, cười tươi khi thấy ĐTV Nguyễn Thị Tư Ngọc đến. "Chị đến điều tra NT-NN-TS phải không? Nửa tháng nay, loa đài thôn, xã loa cả ngày, rồi panô, áp phích treo đầy đường. Lúc đầu tôi nghĩ họ điều tra để tính thuế thu nhập hay thu hồi đất nên cũng lo. Giờ thì thông rồi, mình có sao khai vậy, chứ giấu thông tin có khi mình lại tự hại mình ấy chứ" - bác Lịch thật thà nói.

Những tình huống... khó

Trong hai ngày theo chân các ĐTV tỏa về các bản làng của huyện Lương Sơn, chúng tôi phần nào hiểu sự vất vả của các ĐTV. Một vài người dân chưa hiểu rõ mục đích của cuộc điều tra nên e dè trong việc cung cấp thông tin.

"Nhà tôi chỉ có hai ông bà già sống với nhau, chẳng có tài sản gì cả, có gì mà phải điều tra, chị sang nhà khác họ giàu có mà điều tra” - bà Nguyễn Xuân Thanh (thôn Tân Hòa, Hòa Sơn) cứ khăng khăng từ chối khi ĐTV hỏi. “Phải mất 15 phút chúng tôi thuyết phục, bà ấy mới hiểu và thật thà cung cấp thông tin cho chúng tôi" - chị Tư Ngọc kể.

Chúng tôi cùng anh Nguyễn Quốc Việt - ĐTV ở thôn Hạnh Phúc (xã Hòa Sơn) rong ruổi cả buổi gặp được chục hộ. Những hộ có lượng thông tin nhiều, phức tạp cũng chỉ 15 - 20 phút là xong, hầu như chưa có trường hợp, tình huống nào ĐTV không giải quyết được.

Ông Nguyễn Xuân Tề - Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng ban chỉ đạo cuộc Tổng điều tra NT-NN-TS huyện Lương Sơn, cho biết: “Đến ngày 10.7, Lương Sơn đã hoàn thành hơn 50% công việc điều tra. Chúng tôi cố gắng hoàn thành điều tra trước ngày 15.7”.

Song không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ. Có trường hợp vợ chồng hành nghề thầy bói (ở thôn Hạnh Phúc), sau khi kê khai tên tuổi, đất đai, tài sản, đến mục "nghề nghiệp chính" thì các ĐTV lúng túng không biết điền vào mục nào, ô nào. Bởi thầy bói không được pháp luật công nhận là "nghề". Sau khi trao đổi với chị Lê, nhóm của anh Việt thống nhất đưa vào mục "Không có nghề gì" .

Nói về những lỗi hay gặp phải trong quá trình điều tra, anh Bùi Thanh Hiểu- ĐTV thôn Gò Trạng (xã Cư Yên) chia sẻ: "Đa số người dân hay nhầm giữa thu nhập chính hay công việc thường xuyên. Ví dụ, một gia đình có 2 ông bà, hàng ngày họ vẫn cày cấy, hoặc đan lát thủ công, nhưng chủ yếu sống bằng tiền con cái gửi cho. Đáng lẽ thu nhập chính của họ phải là tiền do con cái cung cấp, nhưng họ lại khai là thu nhập chính từ đan lát. Nếu không chú ý chính ĐTV cũng rất dễ nhầm".