Dân Việt

NSƯT Bảo Quốc: 'Dành dụm để tự lo cho mình khi về già'

Thúy An 27/01/2016 18:25 GMT+7
"Dẫu biết rằng còn con còn cháu nhưng tôi nghĩ bản thân ai cũng nên tự lo cho mình".

Thông qua tình huống ngắn do các diễn viên NSƯT Việt Anh, NSƯT Kim Xuân, Anh Vũ và Cát Tường thể hiện, chương trình Chuyện gia đình Vàng phát sóng trưa 27.1 tiếp tục đưa ra chủ đề “Tâm lý giữ của ở người già”. Với chủ đề này, NSƯT Bảo Quốc, ca sĩ hải ngoại Phương Hồng Ngọc và ca sĩ Xuân Phú đã đưa ra quan điểm riêng.

NSƯT Bảo Quốc

img

Tôi có bốn người con, cả trai lẫn gái. Hiện vợ chồng tôi đang định cư tại Mỹ với cô con gái là diễn viên kịch Hồng Loan. Thỉnh thoảng tôi cũng bay về Việt Nam để ở cùng con cháu bên này ít thời gian.

Tôi nghĩ tâm lý giữ của không riêng gì người nào mà đa phần những người trung niên, cao tuổi Á Đông đều có suy nghĩ này. Khi còn trẻ thì cày cuốc, dành dụm tiền đảm bảo cuộc sống hay lo cho tương lai con cái, đến khi già thì lại cắt củm để dành cho cháu. Đó cũng là tình thương của cha mẹ thôi. Có thể ở tuổi già người ta không chỉ dành dụm cho con cháu nữa mà cả dành dụm cho bản thân để lo hậu sự nữa. Dẫu biết rằng còn con còn cháu nhưng tôi nghĩ bản thân ai cũng nên tự lo cho mình.

Ca sĩ Phương Hồng Ngọc

img

Tôi qua Mỹ hơn 20 năm, cũng ít đi hát mà bận ở nhà chăm sóc, lo ăn lo học cho 3 đứa con xong rồi đến 3 đứa cháu hết ngày hết giờ, quên mất bản thân. Hôm nay, khi chúng đã lớn, mình thoát khỏi cảnh cô nuôi dạy trẻ mà trở về Việt Nam đứng trên sân khấu, gặp gỡ bạn bè.

Tôi nghĩ tâm lý giữ của là nét truyền thống của người Việt thôi, cũng không có gì đáng lên án cả. Vì chúng ta ai cũng muốn thủ cho mình của cải, vật chất để lỡ có chuyện gì như bệnh hoạn, tai nạn thì còn lo cho bản thân mà khỏi phiền đến con cháu, bạn bè. Đó là tính độc lập cần thiết của mỗi người, nhất là người già.

Ca sĩ Xuân Phú

img

Tôi nghĩ những người trẻ cần có cái nhìn cảm thông với người già về vấn đề này bởi khi trưởng thành, lập gia đình, sinh con rồi thì người ta mới hiểu được tâm lý “giữ của” này là như thế nào.

Người già chỉ giữ của khi họ biết nghĩ đến người khác, lo lắng cho con cháu sau này sống ra sau, có đủ tiền mà sống hay không, sung sướng hay vất vả thì họ mới tiết kiệm, giữ của cho con cháu. Người Việt Nam nói chung có tâm lý lo lắng cho con cái. Cha mẹ có già cỡ nào thì vẫn còn lo cho con bởi trong mắt họ con cái bao giờ cũng bé bỏng, còn nhỏ lắm. Vậy nên họ lo lắng khi mình mất đi rồi con sẽ sống ra sao, mình đi rồi thì ai lo cho con… Vậy nên sống đến ngày nào thì tích cóp, để dành cho lớp sau dù ít dù nhiều. Theo tôi đó là một tính tốt của người Việt.