Dân Việt

Điểm nhấn là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

11/07/2011 07:21 GMT+7
(Dân Việt) - Về Chương trình làm việc của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI, T.Ư đã thảo luận sôi nổi, thống nhất đưa vào Chương trình toàn khóa 24 nhóm vấn đề quan trọng và cần thiết nhất nhằm tập trung thực hiện yêu cầu của Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Phát huy sức mạnh tập thể, dân chủ

So với dự thảo, T.Ư đã bổ sung vào Chương trình 3 nhóm vấn đề: Quy định việc thi hành Điều lệ Đảng; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 khóa X về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới."

img
Các đại biểu tham dự phiên bế mạc hội nghị sáng 10.7.

T.Ư đặc biệt nhấn mạnh, cần ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược mà Đại hội XI đã đề ra là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, nhất là ở cấp chiến lược; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng... coi đây là điểm nhấn của nhiệm kỳ khóa XI.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện và đã thông qua Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI; coi đây là văn bản quan trọng nhất cụ thể hóa Điều lệ Đảng, tạo cơ sở để cải cách thủ tục hành chính trong Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thực hiện tốt các quy chế này sẽ góp phần phát huy hơn nữa sức mạnh tập thể, dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; bảo đảm chế độ tập thể lãnh đạo, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu...

Sửa đổi Hiến pháp phải tiến hành chặt chẽ, khoa học

Về triển khai nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, hội nghị đã thảo luận và thống nhất: Tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992. Đó là, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là Đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012 còn nhiều khó khăn, thách thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân; thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là công việc hệ trọng cần được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân...

Nhất trí cao về phương án nhân sự

Về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra; căn cứ vào thực tế đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về cơ cấu tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp nhiệm kỳ XIII; kết hợp yêu cầu trước mắt với việc chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, kết hợp tính kế thừa và phát triển, Ban Chấp hành T.Ư đã xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện cho phép và đã đạt được sự nhất trí cao.

Căn cứ quyết định của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước trình Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn.