Dân Việt

Phố "Ông đồ" Văn Miếu năm nay có hết lộn xộn?

Thùy Dương 28/01/2016 08:41 GMT+7
Phố "Ông đồ” là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Nhưng trong bối cảnh vàng, thau lẫn lộn trong chất lượng múa bút của các ông đồ hiện đại khiến nhiều người quan ngại.

“Lều xịn” vắng vẻ “lều chui” tấp nập 

Hàng năm cứ đến Tết Nguyên đán, tại khu vực vỉa hè bên ngoài tường rào khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) xuất hiện một số cá nhân tự ý căng mái bạt trên vỉa hè để viết thư pháp và cho chữ. Người dân gọi là “Phố Ông đồ”.

“Phố Ông đồ” đã phần nào đáp ứng được nhu cầu xin chữ đầu năm của đông đảo nhân dân. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa của người Việt cần được bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, do việc cho và xin chữ tại khu vực này là tự phát, không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước nên đã xảy ra tình trạng lộn xộn, chen lấn để xin, mua chữ. Số lượng các ông đồ ngày càng đông, cộng thêm nhiều ông đồ ngoại tỉnh đến bán chữ, phải ăn, ngủ tại Văn Miếu gây nên cảnh nhếch nhác. 

img

Việc này đã vi phạm quy định về quản lý trật tự đô thị, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan chung của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đặc biệt, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ông đồ.

 Năm 2015, các cơ quan chức năng đã có động thái “xốc” lại “Phố Ông đồ”. Thay vì ngồi lộn xộn, tự phát ở vỉa hè Văn Miếu, các ông đồ được ngồi tác nghiệp  tại Hồ Văn (đối diện Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Thế nhưng, việc “xốc” lại chưa mấy hiệu quả. 

Các ông đồ tự phát vẫn hoạt động loanh quanh ở vỉa hè Văn Miếu mặc cho lực lượng chức năng tuýt còi. Nghịch cảnh xảy ra, bên ông đồ có giấy phép ở Hồ Văn đìu hiu khách dù lều chõng ngăn nắp. Đường vào khu Hồ Văn vắng vẻ, các ông đồ uống trà vặt, túm tụm chuyện phiếm. Còn phố Văn Miếu, các “lều bán chữ chui” tấp nập người ra vào mua chữ. 

Đơn giản bởi vào Hồ Văn, khách mua chữ phải gửi xe, giá niêm yết. Trong khi đó ở vỉa hè, họ có thể dắt cả xe vào mua chữ và mặc cả giá tùy ý. Chưa kể những bức tường rêu phong cổ kính của Văn Miếu làm cho khung cảnh mua chữ nên thơ hơn.

Vì vậy, một số ông đồ thích “lều chui” hơn “lều chính chủ” nên bỏ cả chỗ ngồi, sang vỉa hè Văn Miếu. Khi có lực lượng an ninh, các ông đồ bê cả bàn lẫn chữ bỏ chạy gây nên tình trạng lộn xộn, tức mắt trong những ngày đầu năm mới. 

Rút kinh nghiệm năm trước, “năm nay, Ban Tổ chức sẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hè Văn Miếu để viết chữ và dùng loa đài để cho chữ”- ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội nhấn mạnh.

Đại diện Ban Tổ chức cứng rắn: “Năm nay, nếu ông đồ nào nhổ lều ra ngoài, sang năm sẽ không được vào Hồ Văn hoạt động nữa”.

Sát hạch tìm ông đồ “Việt Nam chất lượng cao”

Vấn đề vàng, thau lẫn lộn trong chất lượng múa bút của các ông đồ cũng khiến nhiều người quan ngại. Để tìm ra ông đồ “Việt Nam chất lượng cao”, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Việt Nam tổ chức khảo hạch. 

Cuộc khảo hạch ông đồ năm nay đã có 44 ông đồ dự tuyển nhưng chỉ có 15 người được tuyển chọn ngồi ở khu Hồ Văn. “Chúng tôi đã phải phô tô đề đưa cho các ông đồ trước khi tổ chức sát hạch nhưng nhiều thầy đồ vẫn không viết nổi” - ông Trần Quốc Chí, Trưởng ban Liên lạc các CLB Thư pháp Việt Nam cho biết. 

Cũng theo ông Chí, khác mọi năm, năm nay ngoài việc viết đúng chữ, các ông đồ còn phải bố cục đẹp, hài hòa. Ban Tổ chức tuyển chọn ông đồ một cách kỹ lưỡng với thành phần Ban Giám khảo từ 9 người đều rất uy tín, không có chuyện “chữ tác đánh chữ tộ” khiến người xin chữ cứ tưởng treo chữ A trong nhà hóa ra lại là chữ B.

Trong 15 người, có 7 người được cấp thẻ viết trong Hồ Văn 3 năm liền từ 2016-2018 và 5 người còn lại chỉ được cấp thẻ viết trong năm 2016. 100 người đỗ trong sát hạch năm ngoái được vào thẳng Hồ Văn… bán chữ. 

Ban Tổ chức sẽ bố trí 130 lều khung sắt xung quanh hồ để hơn 100 ông đồ ngồi tác nghiệp.  Họ phải đeo thẻ của Ban Tổ chức cấp phát trong suốt thời gian tham gia bán chữ. Các ông đồ sẽ bốc thăm vị trí ngồi, tránh kiện cáo về mặt tiền, góc khuất… 

Mạnh tay với ông đồ như thế, làm việc quy củ như vậy, liệu năm nay “Hội chữ Xuân Bính Thân” có còn biến thành “chợ chữ” như mọi năm?