Dân Việt

Xuất khẩu nông sản 2016: Mặt hàng trái cây có nhiều triển vọng

Thanh xuân 29/01/2016 15:14 GMT+7
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, trong tháng đầu tiên của năm 2016, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,3 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng tốt hơn so với năm 2015. Riêng mặt hàng trái cây đang có nhiều khởi sắc.

Một số mặt hàng đã phục hồi

Tháng đầu tiên của năm 2016 đã ghi nhận nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có khối lượng và giá trị xuất khẩu tăng cao hơn so với năm 2015. Cụ thể, mặt hàng gạo xuất khẩu đạt 495.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; cà phê ước đạt 149.000 tấn với giá trị đạt 264 triệu USD, tăng 8% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị; hạt điều, khối lượng xuất khẩu tháng 1 ước đạt 24.000 tấn với giá trị 183 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị…

img

Đóng gói thanh long xuất khẩu tại Bình Thuận. I.T

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, bước vào năm 2016, hầu hết các sản phẩm nông lâm thuỷ sản đều có tín hiệu khả quan. Các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây… đều dự báo sản lượng sẽ tương đương hoặc tăng so với năm 2015. Đối với thủy sản, tình hình sản xuất tôm đang có nhiều dấu hiệu khả quan, giá tôm tăng nhẹ, tình hình tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn khá tốt, dự báo thị trường tiêu thụ tôm năm 2016 sáng sủa.

  Theo số liệu của Bộ NNPTNT, năm 2015 xuất khẩu nông sản đạt 30,14 tỷ USD trong đó mặt hàng rau quả đạt gần 2 tỷ USD. Năm 2016 được dự báo xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng. 

Là lãnh đạo một trong những HTX có tên tuổi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Trãi – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (Đồng Tháp) cho biết: “Chúng tôi vẫn liên tục theo dõi tình hình kinh tế của thế giới và thấy có dấu hiệu khả quan nên khả năng năm 2016 xuất khẩu gạo cũng sẽ khởi sắc hơn so với năm 2015”- ông Trãi nói. Theo ông Trãi, bước vào năm 2016, các xã viên của HTX cũng bán hết gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện chỉ còn chờ vụ thu hoạch tới với dự kiến có khoảng 10.000 tấn gạo chất lượng cao 5% tấm để xuất khẩu.

Cùng chung nhận định trên, ông Trương Quang An – Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu (Châu Thành, Long An) cho biết, trong tháng 1, HTX cũng đã xuất khẩu 1.200 tấn thanh long sang Thái Lan và Indonesia. “Trong tháng 1, do Trung Quốc gặp đợt rét đậm, rét hại nên người dân ít ra ngoài mua sắm, dẫn tới xuất khẩu thanh long sang thị trường này giảm. Tuy nhiên, các thị trường như khác lại có xu hướng tăng”-ông An cho biết.

Theo phân tích của ông An, nếu so với giá hiện tại, thanh long ruột trắng thấp nhất 10.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 50.000 – 60.000 đồng/kg, mỗi ha thanh long cho thu 50 tấn/năm, thì cũng có doanh thu khoảng 500 triệu đồng/ha, vẫn có lợi nhuận hơn lúa rất nhiều. “Có thể năm nay giá cả thanh long sẽ khó khăn do sản lượng trong nước dự kiến tăng và thị trường Trung Quốc cũng đang tự túc trồng trái cây này. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu mặt hàng này dự kiến năm 2016 sẽ tăng do trồng thanh long hiện vẫn có lợi nhuận cao hơn so với cấy lúa”- ông An nhận định. Năm 2015 HTX của ông An chỉ xuất khẩu 6.000 tấn, nhưng dự kiến năm nay sẽ tăng lên 8.000 tấn.

Triển vọng khả quan từ trái cây

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá: “Trong số các mặt hàng xuất khẩu, năm 2015 mặt hàng chè gặp một số khó khăn ở các thị trường xuất khẩu về hàng rào kỹ thuật, nhưng hiện tại đã được tháo gỡ. Riêng mặt hàng cà phê hiện giá xuất khẩu vẫn còn thấp, người trồng cà phê cũng đang chờ đợi giá cà phê thế giới trong năm 2016 sẽ tăng lên. Đặc biệt, trái cây với việc “khơi thông” được nhiều thị trường khó tính sẽ hứa hẹn nhiều tiềm năng cho năm 2016”.

Ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Từ Bắc vào Nam mỗi vùng đều có các loại trái cây chất lượng rất tốt. Chúng ta đã mở được nhiều thị trường mới, dù 2015 mới chỉ xuất được lượng nhỏ vải thiều, thanh long, nhãn, xoài sang một số thị trường khó tính. Hiện các thị trường này đã ổn định, nên chắc chắn trong năm 2016 các mặt hàng xuất khẩu này sẽ tăng lên”.

Theo ông Trung, tuy xuất khẩu trái cây có khả quan nhưng vẫn còn một khó khăn là sản lượng nhiều loại trái cây như thanh long, dưa hấu… thường tập trung theo thời vụ cao độ nên lượng trái cây ra quá nhiều, gây khó khăn cho tiêu thụ; chất lượng trái cây nhiều vùng chưa đạt tiêu chuẩn; tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước cũng đòi hỏi cao. Hiện ngành trồng trọt cũng chỉ đạo các địa phương hướng dẫn cho người dân sản xuất rải vụ; thực hiện các tiêu chuẩn để vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

 TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phân tích, dù được đánh giá là có nhiều triển vọng nhưng xuất khẩu nông sản 2016 cũng không thể tăng đột biến lên ngay được. Do đó, muốn cạnh tranh được trong xuất khẩu nông sản, cần tạo ra lợi thế cạnh tranh, tìm ra những phân khúc thị trường tốt, phù hợp thì mới thành công được. Từ các phân khúc đó, phải tính toán tiềm năng nhu cầu của thị trường trong tương lai, giá cả biến động như thế nào…/.