Từ thị trấn Bo, trung tâm huyện lỵ Kim Bôi, men theo khoảng 20 km đường rừng, chúng tôi tìm về xã Nuông Dăm. Xã Nuông Dăm còn được nhiều người biết tới với chi tiết hết sức đặc biệt là có tới 98,5% dân số là người dân tộc Mường. Đường chúng tôi đi bạt ngàn hoa mận trắng muốt chào đón xuân sang.
Được cán bộ xã dẫn tới nhà anh Bùi Văn Hào, chị Bùi Thị Sáng đúng lúc anh chị đang che chắn thêm cho chuồng trại, bỏ thêm củi vào đống lửa sưởi ấm cho cặp bò và đàn lợn mán. Mời chúng tôi vào nhà, anh Hào rót cho mỗi người một chén rượu nhỏ hớp cho ấm bụng, anh Hào bảo:
Niềm vui trong ngày nhận bò quyết tâm xây dựng tương lai.
“May mà năm rồi tôi kịp làm nhà mới vững chãi thay thế cho căn nhà tranh vách đất, lụp xụp để giờ vợ con mới có chỗ tránh giá rét. Cặp bò và đàn lợn, gà cũng có chuồng trại an toàn, ấm áp, chứ cứ như hai năm trước thì giờ tôi không biết phải xoay sở thế nào.”
Anh Hào, chị Sáng là người dân tộc Mường, 2 năm trước, gia đình anh chị luôn nằm trong diện đói nghèo đặc biệt của xã, cuộc sống cơ cực trăm bề.
Nhà 4 nhân khẩu mà chỉ được hơn xào ruộng, cấy không đủ ăn. Không nghề, không vốn, anh Hào phải tìm ra Hà Nội làm thuê đủ thứ việc, từ phụ hồ tới cửu vạn để lo cho cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, công việc bấp bênh, lúc có lúc không nên cuộc sống của anh và gia đình càng trở nên khốn khó. Ở quê, sau mỗi mùa vụ, chị sáng lại tất tả ngược xuôi kiếm việc làm thêm cũng chỉ đủ rau cháo cho ba mẹ con đắp đổi qua ngày.
Biết được hoàn cảnh khốn khó của gia đình anh Hào, chị Sáng, vào cuối năm 2014 nhãn hàng Trà thảo mộc Dr Thanh, thông qua chương trình Lục Lạc Vàng đã trao tặng cho gia đình anh chị cặp bò để lấy vốn làm ăn sinh sống.
Nhận được cặp bò, anh Hào quyết định trở về quê gầy dựng tương lai. Sau khi xin được việc tại một xưởng gỗ gần nhà, anh chị quyết định thế chấp cặp bò để vay tiền mua cây keo giống về trồng trên diện tích 1.500m2 đất sau nhà.
Anh Hào bảo: “Nếu chăm sóc tốt, khoảng hơn 2 năm nữa vườn keo này có thể cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Do đó, ngày nào vợ chồng tôi cũng tranh thủ sớm tối thăm nom, tìm hướng chăm sóc cho cây phát triển tốt hơn.”
Bên cạnh số tiền mua keo, anh chị dành số tiền còn lại mua chiếc xe máy cũ để thuận tiện cho làm ăn và mua thêm chục lợn mán giống về nuôi để cải thiện kinh tế gia đình.
Cặp bò được nuôi giữa đại ngàn núi rừng, với sự chăm sóc chu đáo của anh chị đã trưởng thành nhanh chóng, hiện nay cả 2 bò mẹ đều đang mang bầu. Chị sáng bảo: “Chỉ qua Tết ít bữa là cặp bò sẽ đẻ bê con. Gia đình tôi vui lắm vì công sức chăm sóc suốt thời gian qua sắp đến ngày cho kết quả.”
Nỗ lực chăm sóc đàn bò.
Cái vui như vẫn chưa dừng lại, anh Hào bảo: “Ngày mai sẽ xuất đàn lợn mán về xuôi với giá gần 20 triệu đấy nhà báo ạ. Có tiền bán lợn là nhà tôi sẽ sắm sửa Tết cho con cái, trang hoàng nhà cửa mừng năm mới, bởi trước giờ chưa có năm nào nhà tôi có được cái Tết no đủ cả.”
Rời khỏi đất Nuông Dăm, Hòa Bình, nhìn lại toàn bộ lộ trình thăm hỏi các hộ gia đình trong suốt những ngày vừa qua. Từ Hà Nam, Nam Định tới Nghệ An, sang Hòa Bình, lòng chúng tôi phơi phới lạ thường. Toàn bộ các gia đình chúng tôi đến thăm đều đã và đang trên hành trình thoát nghèo, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng hơn.
Tết đang ở cận kề mỗi người, mỗi nhà hơn bao giờ hết, ai ai cũng mong mỏi có một cái Tết ấm no, đủ đầy, nhưng trên khắp đất nước Việt Nam này, vẫn đang còn biết bao hoàn cảnh, số phận khó khăn đang cần được chia sẻ, giúp đỡ để vươn lên trong cuộc sống. Mong rằng trong năm Bính Thân sắp tới sẽ có nhiều hơn những chương trình nhân ái như Lục Lạc Vàng, những nhà tài trợ vững tâm nhãn hàng Trà thảo mộc Dr Thanh để cùng nhau tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.