Dân Việt

Ngại thủ tục, dân tìm đến “tín dụng đen”

Lương Kết 30/01/2016 06:15 GMT+7
Do cần tiền gấp, thiếu tài sản thế chấp và ngại thủ tục phiền phức… người dân tìm đến “tín dụng đen” và sảy chân lúc nào không biết.

Đây là nhận định của đại tá, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học (Viện Khoa học cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân) khi trao đổi với NTNN quanh loạt bài Những bí mật trong thế giới “tín dụng đen”.

  Người dân khi vay tiền từ “tín dụng đen” thường gặp rủi ro, thiệt thòi nhưng tại sao nhiều người vẫn tìm đến, thưa ông?

img

- Trong hoạt động của hệ thống tín dụng của nhà nước, người muốn vay phải có tài sản thế chấp, phải đảm bảo tài sản thế chấp, có hình thức cưỡng chế tài sản thế chấp theo quy định pháp luật khi bên vay không thanh toán được khoản nợ, muốn vay để làm ăn thì người vay phải có phương án sản xuất, kinh doanh. Nhưng trong thực tế có rất nhiều người cần vốn để giải quyết công việc gì đó hoặc để làm ăn nhưng không có tài sản thế chấp hoặc họ ngại các thủ tục phiền phức, không hiểu biết pháp luật nên tìm đến “tín dụng đen” để vay tiền. Còn các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cũng thường lợi dụng những khó khăn đó của người cần vay tiền để tìm đến với họ. Cho vay “tín dụng đen” thường lãi suất cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất cơ bản của ngân hàng, nhiều khi nó vượt quá khả năng sinh lời của người vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Thưa ông, khi vay “tín dụng đen” người dân thường gặp phải những hậu quả gì?

img

“Tín dụng đen” được quảng cáo nhan nhản trên các đường phố Hà Nội.  I.T

- Những người tìm đến “tín dụng đen” thường lún sâu vào bi kịch, một là không trả được nợ, hai là phá sản. Hoạt động “tín dụng đen” phát sinh ra rất nhiều điều phức tạp cho người vay cũng như trong đời sống xã hội. Thường những người cho vay “tín dụng đen” là những đối tượng thường thuộc thành phần phức tạp, họ sử dụng những đối tượng bất hảo để gây áp lực cho người vay. Đã xảy ra nhiều vụ án, nhiều bi kịch xã hội từ “tín dụng đen” như phá sản, gia đình tan nát, mất nhà cửa. Người vay đến kỳ hạn không trả được nợ sợ phải bỏ trốn, nhưng cũng không thoát bởi nợ vẫn mang, vẫn bị các đối tượng khác truy bức, không làm ăn được.

Vậy lực lượng chức năng có những biện pháp gì để giải quyết vấn nạn từ hoạt động “tín dụng đen”?

- Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” lâu nay lực lượng chức năng cũng tiến hành nhiều. Tuy nhiên hoạt động này diễn biến phức tạp, bên cạnh đó nhu cầu của cuộc sống vẫn có, nhiều người không hiểu biết hoặc do bức bách nào đó nên họ vẫn tìm đến “tín dụng đen”.

Một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền để người dân hiểu được hậu quả rất nghiêm trọng khi tìm đến “tín dụng đen”. Hậu quả đó không chỉ về mặt kinh tế mà còn nặng về tinh thần, thậm chí gây hậu quả về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm. Điều thứ hai người dân cũng phải hiểu về pháp luật, nghĩa là pháp luật không khuyến khích và bảo hộ cho việc đi vay “tín dụng đen”. Vấn đề nữa là các cơ sở tín dụng, ngân hàng càng ngày càng phải đổi mới, đơn giản hóa các thủ tục. Trên cơ sở đó khi người dân có nhu cầu họ sẽ tìm đến nguồn vay chính thức, chứ không phải tìm đến “tín dụng đen”.

Xin cảm ơn ông!