GS-TS Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư đã nhận xét như vậy khi đánh giá kết quả Đại hội XII.
Thưa GS, trong diễn văn bế mạc Đại hội XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đánh giá "Đại hội đã thành công rất tốt đẹp". Ông bình luận thế nào về đánh giá của Tổng Bí thư?
- Rất tốt đẹp ở đây chúng ta xét trên các phương diện. Thứ nhất, nội dung Văn kiện được Đại hội thông qua, đây là đường lối của Đảng ta để chỉ đạo công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong thời gian 5 năm tới. Thứ hai, kết quả rất tốt đẹp thể hiện trong công tác nhân sự của Đại hội.
Đại hội của chúng ta được tiến hành theo phương châm "Đoàn kết- Dân chủ- Kỷ cương - Đổi mới". Đại hội đã bầu một lần đủ 200 đồng chí trong Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Sau đó Ban Chấp hành T.Ư khóa XII họp phiên thứ nhất cũng chỉ cần bầu một lần đủ 19 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, rồi tới Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Về mặt nhân sự Đại hội đã thực hiện theo đúng phương hướng công tác nhân sự mà Ban chấp hành T.Ư khóa XI đã đề ra.
Các Văn kiện cũng được chuẩn bị rất kỹ, được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đóng góp ý kiến rất sâu rộng, qua nhiều kênh. Nói chung các ý kiến đóng góp đều tâm huyết, trách nhiệm, có ý thức xây dựng, trong đó có nhiều ý kiến rất sâu sắc, phong phú. Ban Chấp hành T.Ư khóa XI đã tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, xác đáng để hoàn thiện, bổ sung vào các Văn kiện.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Ban Chấp hành T.Ư khóa XII có độ tuổi trung bình là 53. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác nhân sự Đại hội này có nhiều nét đổi mới. GS có đồng tình ý kiến này?
- Nhân sự của Đại hội lần này có sự kết hợp ở 3 độ tuổi: Lớn, trung bình và trẻ để có sự kế thừa, tiếp nối trong quá trình chuẩn bị cho các Đại hội về sau. Như đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Một bụi tre có 3 thế hệ, tre già, tre vừa và măng. Tre già vững chãi để đào tạo, bồi dưỡng thế hệ măng non. Điều đó thể hiện rất rõ trong Ban Chấp hành T.Ư khóa XII này là độ tuổi bình quân là hơn 53 tuổi. Trong đó có những đồng chí 40 tuổi, trên 40 tuổi.
Ủy viên Bộ Chính trị khóa này có đồng chí 46 tuổi, nếu so với nhiều khóa gần đây thì đó là nét rất mới. Đặc biệt Bộ Chính trị, có 3 đồng chí nữ, điều này cũng rất khác so với những kỳ trước đây. Trước đây trong số Ủy viên Bộ Chính trị có nhiệm kỳ chỉ có một đồng chí nữ, có nhiệm kỳ không có. Đây thể hiện sự đổi mới rất rõ nét trong công tác nhân sự.
Ở Đại hội XI có những mục tiêu chúng ta đề ra nhưng không đạt được. Trong Nghị quyết của Đại hội XII, các mục tiêu đã bám sát tình hình chưa, thưa GS?
- Như chúng ta biết, từ Đại hội VIII, IX, X và XI chúng ta đều đề ra mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến khi chuẩn bị cho Đại hội XII xem xét lại các tiêu chí của nước công nghiệp hiện đại chúng ta thấy rằng không đạt được. Đến năm 2020 thì có khoảng 10/15 chỉ tiêu chúng ta không đạt được là cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Vì vậy Đại hội XII đã thay đổi mục tiêu, đó là phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sớm ở đây là sau năm 2020, còn sau 2020 là năm nào chúng ta chưa thể nói trước được. 2025 hay 2030 thì điều đó tùy thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu của chúng ta và tình hình, điều kiện chủ quan và khách quan.
Nhưng nói phấn đấu "sớm" là muốn nói lên quyết tâm chính trị của chúng ta trong việc sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước, hệ thống chính trị cũng như nhân dân hướng tới việc phấn đấu thực hiện mục tiêu trong việc phát triển cả về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quốc phòng, an ninh…
Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII, theo đánh giá của ông, chúng ta có những thuận lợi và thách thức nào?
- Trong Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ, xu thế hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển là xu thế lớn. Tuy nhiên bên cạnh đó, tình hình cũng diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, tranh chấp về chủ quyền, về biển, đảo, về tài nguyên... sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt.
Ở trong nước, chúng ta có nhiều thuận lợi với thành tựu to lớn như kinh nghiệm lịch sử qua 30 năm đổi mới đất nước mà chúng ta vừa tổng kết. Điều này sẽ tạo tiền đề chúng ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trong những năm sắp tới. Điều đó cũng khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, xu thế của lịch sử.
Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi, tình hình trong nước cũng có những khó khăn, yếu kém của chúng ta không phải một sớm một chiều có thể khắc phục ngay được như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, rồi những khó khăn về kinh tế, xã hội... Đó là những thách thức lớn đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải nỗ lực phấn đấu để vượt qua.
Xin cảm ơn GS.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4): Tiếp tục giương cao ngọn cờ chống tham nhũng Kỳ vọng của nhân dân là đã có Nghị quyết của Đại hội XII, cùng Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới thì trong nhiệm kỳ khóa XII này phải làm sao là nhiệm kỳ có sự bức phá để phát triển đất nước. Trong đó vấn đề nội bộ Đảng phải làm sao xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, tiêu cực. Vấn đề thứ hai là phải bảo vệ toàn vẹn Biển Đông, không để thế lực bên ngoài chiếm mất không gian sinh tồn của đất nước. Kết Lương (ghi) |