Con nghèo, vì bố mẹ nghèo
Trong bài viết này, tôi chưa muốn nói đến những đứa trẻ là nạn nhân của những bảo mẫu Phụng, bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa… Những em bé đó thực sự nghèo vì bản thân bố mẹ nghèo. Bố mẹ không thể có sự lựa chọn nào khác để gửi con, vì không có hộ khẩu để gửi con trường công, nhà xa không có ông bà giúp đỡ, chuyện thuê người giúp việc là quá xa vời…
Chọn cách gửi con về cho ông bà nội ngoại ở quê nuôi cũng chẳng khá hơn là mấy. Ông bà thì dĩ nhiên rất nhiệt tình. Rất sẵn lòng. Rồi, ông bà vốn hay chiều cháu, bình thường đã chiều lắm rồi, giờ lại tội nghiệp đứa cháu phải sống xa bố mẹ, thiếu thốn tình cảm,lại càng cố gắng bù đắp bằng cách cháu xin gì cũng cho, đòi gì cũng đáp ứng… Nhiều ngôi làng toàn người già và trẻ con.
Những đứa trẻ nghèo tình thương, sự nghiêm khắc, và quan tâm tinh tế của bố mẹ. Rồi 10, 15 năm nữa, thế hệ này lớn lên sẽ ra sao, một lớp thanh niên thiếu thốn tình cảm và không coi trọng gia đình?
Tôi vẫn ám ảnh mãi câu chuyện về cậu học trò Nghiêm Viết Thành, Hải Dương, giết cha, ném xuống sông. Mẹ Thành đi làm thuê ở nước ngoài từ năm con 3 tuổi. Ba năm sau bố Thành lại cũng lên đường đi lao động xuất khẩu nhiều năm nữa. Sau đó, khi bố về, mẹ vẫn còn nén lòng nhớ con cố ở thêm vài năm.
Và chị đã buộc phải về nước, khi nghe tin con trai đã giết bố. Chị chết lặng ở phiên tòa với mức án tử hình dành cho con trai mình. Thực ra khi chăm chỉ lao động ở xứ người, trong lòng chị cũng chỉ đau đáu một tâm nguyện là làm để cho con.
Giờ con chị đã rât nghèo cơ hội, đâu có thể xài được những đồng tiền chị để cho con?
Nhưng cũng nghèo vì ba mẹ quá giàu kỳ vọng
Thanh Thanh, hàng xóm của tôi là một giáo viên. Thanh chăm sóc con tới tận răng.
5 giờ chiều tan học ở trường tiểu học, Thanh mang cơm nấu sẵn và một bộ quần áo sạch, gói khăn ướt tới đón con. Thanh đứng trong hẻm ngay gần cổng trường, bày cơm canh đồ mặn ra yên xe cho con ăn, trong lúc con ăn cơm, Thanh gọt táo, để con ăn xong tráng miệng, không quên kèm theo hộp sữa tươi cho đủ chất.
Con ăn uống xong, Thanh lấy khăn ướt lau tay con, rồi cởi bộ quần áo đồng phục đã bẩn ra, Thanh lấy chiếc khăn ướt khác, lau sơ người cô bé cho hết mồ hôi, rồi mặc cho bé bộ quần áo khác, và Thanh chở con đi tới trung tâm khác học thêm.
Tại cổng các trường trung học, trường cơ sở, và thậm chí ngay các trường tiểu học, rất nhiều em được ba mẹ mang những bữa cơm di động tới ăn dã chiến ngay trên hè phố để rồi hối hả đi học thêm ngay chiều tối.
Nhìn mà thương những em bé bị cướp trắng những bữa cơm chiều ấm áp quây quần cùng gia đình. Không biết các em sẽ lớn lên thế nào, khi hầu hết các ngày trong tuần đều là ngồi trên ghế, tay cầm cuốn vở, miệt mài học bài ở đâu đó, trong trường hoặc trong trung tâm?
Không biết em sẽ ra đời ra sao, khi hầu hết ngững trải nghiệm thú vị về thiên nhiên, về con người, về lao động chân tay, về va chạm xã hội… đều bị ba mẹ cắt giảm để học bài.
Không biết ký ức về tuổi thơ em sẽ thế nào, khi hầu như không có một buổi lang thang cùng bạn bè trong khu phố, không tham gia những trò chơi “vô bổ, nhảm nhí” của tuổi thơ.
Tôi là một bà mẹ trẻ, cũng có vài lý thuyết về nuôi con, nhưng nhìn xung quanh đầy những trẻ mĩm mĩm, khỏe mạnh, thông minh và vui tươi như tết làm tôi cũng hoang mang. Năm tới bé vào lớp 1. Tôi đang hoang mang và vô cùng đơn độc khi mà cả lớp 42 cháu chỉ còn mình con tôi là chưa học chữ trước. Ai cũng dọa rồi con sẽ thua bạn bè, rồi con sẽ bị cô la, rồi con sẽ mất tự tin…
Không biết rồi tôi có chịu nổi sức hút của số đông không? Hay tháng sau tôi lại xua con đi học hè, tôi lại tước nốt cuả con gái mình cảm giác bị thua, cảm giác bị mắng, và áp lực phải phấn đấu?
Trẻ em nghèo thời gian của bố mẹ
Giờ đang là mùa hè. Nhìn vào kỳ nghỉ hè của con, bạn sẽ thấy tuổi thơ của con nghèo quá sức.
Mấy bé được hưởng một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa? Tôi vẫn nhớ hoài bức hình một ông bố mở cửa xe ô tô cho cô con gái nhỏ đang phụng phịu bước vào lớp học hè. Một người bạn tôi than: Ông bố có xe hơi mà nghèo quá, không đủ tiền mua cho con một mùa hè!
Ông xã tôi, một doanh nhân nho nhỏ, ngày đêm vật lộn với những công nợ, những hợp đồng. Tôi biết anh yêu con, nhưng tập quán làm việc trên bàn nhậu và những cuộc hẹn giao lưu triền miên đang lấy mất cuả con tôi những khoảng khắc cha con quý giá.
Bạn gái của tôi có cậu con trai. Chồng bạn là Giám đốc một Chi nhánh Ngân hàng cách nhà gần 100 cây số. Hai tuần hoặc ba tuần mới về được một lần. Vắng đàn ông trong nhà, bạn tôi buộc phải tự xoay xở lấy tất cả. Vắng chồng, tình yêu vốn tràn trề trong tim phụ nữ, giờ đổ lên mình cậu con trai bé bỏng.
Cô càng nâng niu, cưng nựng cậu bé. Lại thêm bà ngoại, thương cháu nên ôm ấp cậu cả ngày. Hôm dẫn cậu bé đi công viên, cậu bám chân mẹ từng xentimet. Có vài trò chơi cảm giác mạnh, tôi mua vé rồi mà cậu khóc chạy ngược trở ra. Và lúc chân vấp vào một hòn đá trầy chút da nhỏ bằng đầu que tăm, không đủ chảy máu mà cậu bé khóc lóc cả giờ đồng hồ. Có lẽ cũng do những ngày lớn lên của bé thiếu hụt chất ngang tàng, đầu đội trời chân đạp đất của một ông bố.
Hôm qua cô bạn tới nhà tôi, đưa tôi xem mẩu báo đăng một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ: “Tỷ lệ bé trai bị rối loạn giới tính cao gấp 5 lần bé gái. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, khoảng 75% bé trai bị rối loạn giới tính có thể trở thành đồng tính hoặc lưỡng tính khi trưởng thành”.
Nhìn cô bạn khóc vì lo lắng, tôi cũng băn khoăn, không biết rồi sau này chồng bạn tôi có dám từ bỏ vị trí đang lên cuả mình để về gần con hơn hay không.?
Bao giờ có chuẩn trẻ em nghèo?
Trẻ em nghèo của nước Anh được định nghĩa như sau: Trẻ con được gọi là nghèo nếu cha mẹ không đủ khả năng sắm cho trẻ con mỗi em một chiếc xe đạp, mua đầy đủ đồ chơi, mời bạn của con về ăn tối mỗi tháng một lần, đưa con đến hồ bơi hai lần một tuần. Trên 10 tuổi phải có phòng riêng, ngoài du ngoạn cuối năm do trường tổ chức, tối thiểu phải được đi nước ngoài du lịch 2 tuần/năm...
Cái chuẩn nghèo của Anh thật quá cụ thể. Vài ba tiêu chuẩn kinh tế như xe đạp, đồ chơi, du lịch… Còn lại toàn phải những tiêu chuẩn phải có quan tâm và đầu tư thời gian: sự tôn trọng riêng tư, tổ chức mời bạn con ăn tối, đi bơi, đi chơi với trường, đi chơi với gia đình…
Còn trẻ em mình thì sao?
Chúng ta đã ký vào Bản Công ước quyền trẻ em, nhưng không biết bao giờ mới có định nghĩa về chuẩn nghèo cho trẻ em Việt?
Tôi cũng mong có một cái định nghĩa. Để tôi và bạn bè còn nhìn vào đó, để mà còn kịp giật mình đúng lúc, không đến nỗi quá muộn cho con mình!