Năm 1997, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật đốt dọn vật liệu cháy trên rừng thông cảnh quan và rừng trồng để hạn chế nguy cơ cháy rừng vào mùa khô dựa trên những thử nghiệm thực tế của giải pháp này trong nhiều năm trước đó.
Kỹ thuật đốt trước lớp thực bì “có điều khiển” phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình như phải phát dọn lớp thực bì, gom lại từng băng, tránh xa những gốc thông, đốt đúng giờ, không tạo ra ngọn lửa, không gây cháy thông…
Thế nhưng, thực tế trong quá trình triển khai giải pháp này, việc làm cẩu thả, đốt lớp thực bì vô tội vạ, không tuân thủ kỹ thuật đốt của một số nhân viên bảo vệ rừng (hoặc người được thuê đốt thực bì) và sự giám sát thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng đã khiến cho rừng thông tại nhiều nơi ở Lâm Đồng sau khi xử lý thực bì hậu quả chẳng khác gì một vụ cháy rừng.
Hầu hết các cây thông con vừa mọc, vốn là lớp kế cận thay thế cho những cây già cỗi bị đốt chết cháy, các hệ sinh thực vật sống trên mặt rừng như côn trùng, sóc, hệ nấm, và nhất là nguồn hoa dại như laizơn, địa lan, đổng thảo…cũng thành mồi cho lửa, gây mất cân bằng sinh thái và nghèo nàn đa dạng sinh học rừng…
Nhiều cây thông bị đột cháy vì xử lý thực bì không tuân thủ kỹ thuật.
Tại rừng thông đèo Prenn, Anh Nguyễn Đức Phương, một người dân có đất canh tác dưới thung lũng rừng thông cho biết: Trưa ngày 24.1 vừa qua, một nhân viên thuộc Ban quản lý rừng Lâm Viên tới châm lửa đốt thực bì tại một số điểm gần rẫy của gia đình anh rồi bỏ về, tuyệt nhiên không có người trông coi. Ngọn lửa mùa khô gặp gió mạnh lập tức bốc cháy dữ dội.
Thấy ngọn lửa có nguy cơ mất kiểm soát, đe dọa tài sản, hoa màu của gia đình mình, anh Phương gọi điện cho nhân viên vừa đốt xuống để giám sát ngọn lửa nhưng không được. Anh Phương buộc phải canh gác ngọn lửa không cho cháy vào rẫy cả gia đình mình. Việc làm này khiến người dân khu vực hết sức bức xúc, bất bình.
Cùng trong ngày 24.1, tại rừng thông trên đèo Prenn, đoạn gần với thác Datanla, trong lúc xử lý thực bì mà không có người giám sát, không tuân thủ đúng kỹ thuật, lửa đã bén vào một số gốc thông cổ thụ, có tuổi đời trên 50 năm. Trước cảnh đau lòng này, một số người đi đường đã phải dừng xe, tìm cách dập lửa, giải cứu những cây thông già.
Không riêng gì rừng thông tại đèo Prenn, rừng thông tại nhiều địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng như huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm…việc xử lý thực bì cũng diễn ra tương tự. Hậu quả chẳng khác nào một vụ cháy rừng vừa tràn qua. Tất cả các sinh vật sống trên mặt đất, những cây thông nhỏ, nhiều cây thông lớn… trở thành nạn nhân của lửa.
Ông Võ Danh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra quá trình thực hiện việc đốt xử lý thực bì ở các đơn vị, nếu phát hiện sai phạm, không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật khi đốt thì đơn vị chủ rừng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Theo ông Tuyên, việc đốt lớp thực bì trong rừng thông để hạn chế nguy cơ cháy rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Trong đó đặc biệt chú ý tới các khâu trước khi đốt, lớp thực bì phải được thu dọn thành băng, phải được cào ra cách xa các gốc thông, khi không còn mối đe dọa đến những cây thông mới được đốt, và phải làm chủ được ngọn lửa. Chỉ được phép đốt thực bị sau 16 giờ hàng ngày...
Được biết, trong mùa khô năm nay Lâm Đồng sẽ tiến hành đốt thực bì trên diện tích trên 1.200ha rừng thông cảnh quan và rừng trồng.