Dân Việt

'Sao' làm báo: 'Tham vọng ở đời biết bao nhiêu là đủ?'

Ca sỹ Ngọc Ánh 01/02/2016 04:58 GMT+7
Ca sỹ Ngọc Ánh chia sẻ quan điểm về câu nói "gây sốt" của thí sinh 60 tuổi tại Vietnam’s Got Talent.

img

1. Tuần vừa qua, có một thí sinh của chương trình Vietnam’s Got Talent "gây sốt" cư dân mạng, không phải bởi phần trình diễn mạo hiểm, cũng không phải đánh động sự thương cảm mà bằng lời tâm sự “Không sao đâu! Cứ bình tĩnh mà sống!”.

Câu nói ấy tạo được hiệu ứng mạnh mẽ bởi nó lạ nhưng rất hay và có ý nghĩa. Càng đặc biệt hơn khi nó được thốt lên từ chiêm nghiệm của một người phụ nữ từng nếm trải và đã đi qua rất nhiều khó khăn, vất vả; một người phụ nữ rất đỗi bình thường mà nếu không đến với chương trình này, có lẽ, chúng ta, giữa cuộc sống bận rộn và tấp nập cũng sẽ bước qua cô như đã từng bước qua bao cá nhân khác.

Câu nói ấy khiến người ta giật mình, thấm thía và “giảm tốc”, khiến người ta phải suy nghĩ lại về bản thân, về những điều người ta cố công theo đuổi.

Cá nhân tôi nghĩ đây là một phương châm sống khá hay.  Không cần phải sống cuộc đời ẩn cư như người phụ nữ ấy, không cần so sánh bởi cô ấy sống cuộc đời của một tu sĩ, không ở thành phố, không bị bủa vây bởi cơm áo gạo tiền.

Cái lõi ở đây là, chúng ta có hạnh phúc với những gì chúng ta có hay không? Chúng ta có thoát được sự bon chen, đua đòi, của tham vọng không biết điểm dừng hay không. Tôi tin rằng, trong tất cả mọi sự, được - mất, đắng - ngọt, phần nhiều ở thái độ sống của mỗi người. Khi người ta biết đủ, cảm thấy đủ thì gọi là đủ vậy.

Có lẽ vậy nên, hàng ngày chúng ta vẫn bắt gặp rất nhiều người chẳng may gặp những khúc quanh ngặt nghèo của số phận, vẫn an nhiên, vẫn tươi cười bước về phía trước, sẵn sàng sẻ chia những gì họ có cho những hoàn cảnh khốn khó hơn.

Một người bạn của tôi từng viết một ý rất hay trên Facebook rằng: "Có một cuộc sống ổn định, có một đam mê theo đuổi, kiếm đủ tiền để sống bình an, gặp được những con người tốt, thực hiện được những mơ ước của bản thân và sống tốt là đủ rồi.

Đâu cần phải thật giàu, đâu cần phải thật nổi tiếng, cũng không cần phải nhà cao cửa rộng, càng không cần mua ô tô, cũng không cần ăn cao lương mỹ vị. Sống nhẹ nhàng, sống yêu đời, không bon chen, không buồn khổ là hạnh phúc rồi. Tham vọng là tham vọng bình yên. Ở đời biết bao nhiêu là đủ?".

img

2. Xã hội ngày càng phát triển, con người cũng phải chạy theo để bắt kịp tốc độ, đó là quy luật tự nhiên, không thể nào chống lại được nhưng đi kèm với sự phát triển ấy là “Hội chứng lây lan”.

Người đọc khát tin, người làm tin càng bị đặt trước thử thách phải làm thỏa mãn yêu cầu của người đọc. Thành ra, tin chưa kiểm chứng, tin vội vàng nhảy lên mạng xã hội, lên các trang mạng mà bất cần hậu quả ra sao.

Việc lên án những cá nhân bề ngoài có vẻ no đủ đi ăn cơm từ thiện hai ngàn đồng, một người lấy hai, ba ổ bánh mì chính là một vài dẫn chứng cho sự thiếu bĩnh tĩnh ấy. Người ta quên mất đằng sau đó là những phép thử, là những số phận, những thầm lặng và cả những thương tổn.

Tôi nhớ sau loạt bài “lên án” một người lấy hai ba ổ bánh mì thay vì chỉ một, có một bài báo kể về đứa trẻ là con của một bà mẹ nghèo đã nhìn người mẹ bằng ánh mắt đầy thương tổn, pha lẫn trách móc của lòng tự trọng: “Tại sao mẹ lại làm như vậy?”

Vậy nên, tôi cho rằng, mỗi cá nhân trước bất cứ sự việc gì cũng cần bĩnh tĩnh mà suy xét. Thái độ “bình tĩnh mà sống” không chỉ dừng lại ở cách ứng xử của bản thân trước hoàn cảnh xã hội ập đến mà còn là ứng xử của bản thân trước những sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội.

Và, để được như vậy thì mỗi người phải rèn luyện cho mình tính kiên nhẫn, biết lắng nghe, biết cảm thông để tìm hiểu xác thực của sự việc trước khi bày tỏ ý kiến. Điều này, thuộc về phạm trù của ý thức cá nhân, không ai ép buộc ai được. Nó liên quan đến cả ý thức hệ của cộng đồng và thể hiện qua nền giáo dục của toàn xã hội.

Trong tập 4 của chương trình Vietnam's got talent lên sóng ngày 22.1, thí sinh đến từ Lâm Đồng Nguyễn Thanh Thúy đã gây xúc động mạnh không phải bởi giọng hát quá xuất sắc mà chính từ câu chuyện cuộc đời cùng quan điểm sống của cô.

Thí sinh sinh năm 1957 đến từ Lâm Đồng chia sẻ, công việc thường ngày của cô là làm vườn và làm thầy thuốc bấm huyệt, giúp đỡ chữa bệnh cho trẻ em nghèo hoàn toàn miễn phí. 

Cô sống cùng em gái trong một căn nhà tạm bợ nằm trên đồi, nơi không có điện, nước nhưng hai chị em vẫn bám trụ cuộc sống ở vùng núi hẻo lánh để cứu trẻ em khuyết tật. Mong ước của cô khi tham gia chương trình là có một số tiền nhỏ để xây bể chứa nước mưa và bình ắc qui nhỏ để thắp đèn.

Để đến địa điểm dự thi, cô phải rọi đèn pin đi bộ từ khuya xuống đến quốc lộ để bắt xe trong sự lo lắng của em gái. Khi các giám khảo xuýt xoa trước hoàn cảnh của mình, cô Thúy liền lạc quan nói: "Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống".

Với câu chuyện và giọng hát nhiều cảm xúc, cô Thúy đã có cơ hội bước tiếp với chương trình khi nhận được 3 sự đồng ý của ban giám khảo.