Gần 100% hộ dân có điện
Có thể nói, EVN luôn tập trung triển khai tốt công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giữ gìn chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo.
Tập đoàn đã hoàn thành vượt kế hoạch đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo giai đoạn 2011-2015 với tổng vốn hơn 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư cấp điện nông thôn trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía bắc, khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Tính đến cuối năm 2015, trên cả nước số xã có điện đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76% (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015). Các dự án cấp điện cho bà con dân tộc thiểu số tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn được Tập đoàn bố trí đủ vốn để bảo đảm tiến độ hoàn thành, đã cấp điện tới hàng nghìn thôn bản, phum sóc, đưa tỷ lệ sử dụng điện đồng bào Khmer khu vực Tây Nam Bộ đạt hơn 90%; đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc đạt hơn 85%.
EVN đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp tớicác hộ dân, tiếp nhận tại 1.524 xã với hơn 1,95 triệu hộ dân nông thôn, tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn.
Hướng dẫn người dân sử dụng điện tại xã Cự Võ, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ảnh: Huy Hung
Đặc biệt, EVN đảm nhận cấp điện cho 9 trong số 12 huyện đảo, gồm: Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang); Phú Quý (Bình Thuận); Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Các huyện đảo, xã đảo có vị trí chiến lược trên biển được EVN đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo để cấp điện ổn định cho nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tiếp tục giảm mạnh tổn thất điện năng
Ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, EVN phấn đấu bảo đảm tăng trưởng điện bình quân 10,5 - 11%/năm; huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hơn 600 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2020, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống khoảng 262-270 tỷ kW giờ; tỷ lệ tổn thất điện năng giảm xuống còn 6,5%; sản lượng điện thương phẩm bình quân đạt 2,5 triệu kWh/cán bộ công nhân viên; năng suất lao động bình quân hằng năm tăng 8-10%.
Ngoài ra, hoàn thành đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.819 MW. Hiện, EVN đang tập trung thi công để đáp ứng tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt các dự án nguồn điện bảo đảm cấp điện miền Nam đến năm 2020 như Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng…
Được biết, đến cuối năm 2015, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là 38.800MW (tăng 1,8 lần so với năm 2010),đứng thứ hai Đông - Nam Á (sau Indonesia) và thứ 30 thế giới. EVN hiện đang quản lý hệ thống lưới điện gồm hơn 41.100 km đường dây (ĐD) 500-220-110 kV (tăng 1,5 lần so với năm 2010) và hơn 440 nghìn km ĐD trung thế, hạ thế (tăng 1,2 lần); tổng dung lượng trạm biến áp 500-220-110 kV, tăng 1,8 lần.
Để có thành quả này, EVN đã huy động 492 nghìn tỷ đồng (gấp 2,42 lần so khối lượng thực hiện giai đoạn 2006-2010) thực hiện công tác đầu tư xây dựng. Tập đoàn và các Tổng công ty đã thực hiện quản lý, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch hằng năm và trung hạn; bố trí vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết.