Dân Việt

Vượng râu: 'Tôi là dân đồng bóng'

Thanh Hà 01/02/2016 09:49 GMT+7
Đã không ít lần, Vượng râu tự nhận mình là dân “đồng bóng”. Không hẳn vì có tí duyên "ông đồng, bà cốt" mà theo cách lý giải của Vượng râu, nghệ sĩ thực thụ ai cũng có điều đó, không ít thì nhiều. Họ ít đi theo một quy củ nào, cứ thấy vui, thấy thích và đam mê là... tới bến, bất kể lỗ lãi thế nào. “Nếu không thế, nghệ sĩ sẽ thành những “con buôn nghệ thuật” hết rồi”, Vượng râu nói.

“Đừng gọi anh là cụ”

Vượng râu thuộc số nhiều nghệ sĩ hài nhưng lại là số ít bị... mất tên thật, dù cụm râu trứ danh làm nên nghệ danh của anh đã bị cạo từ lâu rồi. Giờ cứ để tên thật là Nguyễn Công Vượng, người ta rất dễ gọi chệch thành cầu thủ bóng đá xứ Nghệ. Như thế còn thiệt hơn, nên Vượng đành chấp nhận để cái râu hoài niệm “tầm gửi” với mình đến khi nào không còn làm nghệ thuật nữa.

img

Nghệ sĩ hài Vượng râu và chiếc áo dài đặc trưng. Ảnh: TL

Vượng râu vốn xuất thân từ dân chèo, yêu đắm đuối nghệ thuật truyền thống và “chung tình” theo đuổi những gì thuộc về văn hóa dân tộc. Thế nên, các sản phẩm của Vượng râu đều đậm đặc các làn điệu dân ca hoặc mang hơi hướng của chèo. Ngay cả khi làm các sản phẩm đương đại như “Thầy đồ ra phố” và mới đây nhất là “Tết Vạn lộc”, Vượng râu luôn truyền tải ý thức gìn giữ giá trị truyền thống. Anh bảo, nó ngấm vào máu rồi, cứ viết là bật ra thôi.

Không chỉ cách nói nghe đã thấy “hơi hướng” đặc trưng của chèo, cách ăn vận của Vượng cũng “xoẹt tông” với tính cách, đó là áo dài cách tân. Người khác mặc thấy “dị” nhưng với Vượng râu thì cứ như “đo ni đóng giày”. Thành ra, bây giờ mà anh mặc comple đóng bộ lại thấy hơi khó coi. Áo dài nam giúp che được khuyết điểm cho người gầy, nhỏ, lại có lợi thế là “độc, lạ” khi xuất hiện trong các sự kiện. Thế nhưng, không phải ai cũng “chơi” được với nó, bây giờ trong Nam có Hoài Linh, ngoài Bắc có Vượng râu. Một dạo còn có Hùng Cửu Long rất chăm mặc áo dài với kiểu dáng, họa tiết và thêu thùa cầu kỳ, nhưng cái tướng trông hiện đại quá nên mặc vào thấy có phần khập khiễng.

Không biết có phải vì hợp quá không mà mỗi lần mặc áo dài, Vượng râu lại bị già đi, hết “bẩm cụ” lại “thưa lý trưởng”. Vượng râu trào phúng: “Đừng gọi anh là cụ/Mình chả thích thế đâu/Tuổi chúng mình lệch nhau/Chỉ một vài ba giáp/Để hôm nào giời mát/Thử một tí xem sao/Rồi xem nó thế nào/Hẵng gọi anh là cụ”.

Nhưng còn nét “đồng bóng” nữa thuộc về tính cách cha sinh mẹ đẻ của Vượng râu, đó là nghĩ gì nói nấy, không sợ “vạ miệng” hay phán xét, thích làm việc theo cảm hứng hơn là tính toán thiệt hơn. Lắm khi đang trà dư tửu hậu, chợt nghĩ ra một ý tưởng gì đó mới mẻ, “sung lên” là anh gọi điện khắp nơi để chia sẻ và tìm sự cộng hưởng về tinh thần. Sau cơn “thăng” bất chợt, độ “đồng bóng” ấy của Vượng râu sẽ bị thủ thỉ vào tai câu muôn thuở: Đầu tiên phải là tiền đâu? Vậy là bao nhiêu cảm hứng, bao nhiêu suy tư của anh đành phải “xếp kho” chờ thời.

Là diễn viên, rồi làm đạo diễn nhiều năm lăn lộn với thị trường lo “nồi cơm” cho nhân viên nên Vượng râu cũng “khôn” ra nhiều so với trước. Tính khí lắm phen bốc đồng của anh cũng như được “cầm cương” hơn. Anh biết tính toán để cân bằng giữa làm nghệ thuật với chiều theo thị hiếu số đông. Chả thế mà so với nhiều người làm hài Tết, dù kinh tế, nhu cầu có trồi sụt thì các sản phẩm của Vượng râu vẫn sống khỏe, trở thành sản phẩm, thương hiệu được chờ đón mỗi dịp cuối năm.

Năm nay, DVD hài Tết của anh vừa ra lò đã nhận được đơn tái bản. Vượng râu rầu rĩ vì sụt mất mấy ký lô, nhưng đổi lại được vui trăm nỗi khi trên trang cá nhân của anh liên tục nhận được những phản hồi ngợi khen. Có khán giả còn tri ân bằng hiện vật.

Với người làm nghề, có khi chỉ cần bấy nhiêu đó thôi. Nên với Vượng, lỗ lãi trong việc thực hiện dự án nghệ thuật đôi khi không được anh đo đếm quá kỹ. Bởi anh quá hiểu làm nghệ thuật chỉ có lỗ về tiền, nhưng cái lãi lại rất nhiều. Thế nên, vừa làm xong sản phẩm này, Vượng râu đã bắt đầu “ủ mưu” cho sản phẩm tiếp theo.

Dự định còn nhiều lắm, nếu thiên thời và được “tổ đãi”, Vượng râu sẽ vẫn làm với tinh thần “đồng bóng” như vậy. Hết mình và hết sức, sẵn sàng bỏ ra đến đồng tiền cuối cùng để theo đuổi và thực hiện.

Được quý ở cái tâm và tình

img

Vượng râu - Xuân Nghĩa trong tiểu phẩm hài “Tết Vạn lộc”. Ảnh: Nguyễn Dũng

Tuy nhiên, công bằng mà nói, Vượng râu được yêu quý trong nghề không phải vì tài mà vì cái tâm. Nó cũng còn do "đặc tính" của showbiz có mấy người phục tài của nhau. Vượng râu còn trẻ mà được công nhận thế thì cũng hơi khó và nó cần có thời gian nhiều hơn nữa.

Rất nhiều nghệ sĩ từng bày tỏ rằng không muốn làm hài Tết nữa, nhưng vì Vượng mời nên lại “bước qua lời nguyền”. Nghệ sĩ hài Minh Vượng là một ví dụ. Mang trong mình nhiều căn bệnh nên đã từ lâu, chị xác định hạn chế với lời mời bên ngoài nhà hát. Chương trình Táo quân của VTV “hot” là thế mà chị còn ngần ngại nữa là các chương trình của tư nhân vốn bấp bênh về kịch bản. Vậy mà Vượng râu nói thế nào, chị lại dốc lòng tham gia. Buổi ra mắt sản phẩm, chị dành nhiều tình cảm bày tỏ với Vượng râu, rằng Vượng râu là người biết trân trọng nghệ sĩ, sống có tâm và nhiệt huyết nên khiến chị mủi lòng. “Nghệ sĩ mà!”, chị nói.

Chuyện mấy năm trước đã thế, bây giờ “đủ lông, đủ cánh” nhưng Vượng râu vẫn đối nhân xử thế với anh em nghệ sĩ bằng tinh thần ấy. Chả thế mà nghệ sĩ hài Đức Hải tíu tít với các sô phía Nam, cát-sê “khủng” vẫn tạm gạt sang để giúp Vượng râu trong “Tết Vạn lộc”. Nghệ sĩ Đức Hải còn tuyên bố trước báo giới là sẽ không lấy cát-sê ngoài tiền vé máy bay đi lại.

Nghệ sĩ hài Giang còi cũng tâm sự rằng, nhiều năm nay anh không nhận lời diễn hài trên sân khấu lớn vì phong cách của anh là không hợp với “thánh đường” ở nhà hát, chỉ nhận diễn trên sân khấu tỉnh lẻ là chính. Nhưng rồi năm nay, anh bất ngờ “phá lệ”, không phải vì độ hoành tráng của chương trình mà vì bị thuyết phục với ý tưởng của Vượng: Làm thành một series hài theo các năm.

Trên sân khấu không chỉ có hát, diễn mà còn có không khí trang trọng tri ân cho các nghệ sĩ đi trước, trao chút tấm lòng thơm thảo của nghệ sĩ đến các mảnh đời khó khăn được trích từ tiền bán vé. Món quà đầu tiên được trao cho gia đình GS Hà Văn Cầu để mừng thọ giáo sư đã 90 tuổi và nghệ sĩ Hán Văn Tình.

Trông Vượng râu xởi lởi ngoài xã hội là vậy, nhưng trong công việc, anh có một nguyên tắc “chỉ được phép cho người khác lấy của mình, không được phép lấy của người khác”. Anh cũng tự răn mình rằng, ngày hôm nay được khen thì đồng nghĩa với việc phải thức đêm nhiều hơn, lang thang nhiều hơn, sống chân tình để gạt sân si và ngộ đạo để không bon chen, “thắng không kiêu, bại không nản”... Trong cuộc sống, Vượng râu cũng không có tham vọng làm giàu bởi anh quan niệm “có tham cũng đâu đến phần người như Vượng”.

Vốn có duyên “đồng cô, bóng cậu”, Vượng râu đặt mong ước vào việc học tu trọn đạo. Mỗi năm nhắc nhở mình cố gắng chăm chỉ hơn và tu dưỡng hơn để sớm đạt được mục tiêu ở ẩn. Vượng râu có phủ thờ khá to ở Thạch Thất (Hà Nội) và được anh dành nhiều tâm sức để thực hiện. Kiếm được đồng nào lại dồn hết vào đó với mong mỏi “kiến tha lâu cũng đầy tổ”.

Tuy là phủ thờ riêng nhưng Vượng muốn nơi đây thành điểm đến tâm linh của bạn bè xa gần vào những ngày lễ lạt. Hay đời thường hơn, đó là nơi “trà dư, tửu hậu” của các anh em nghệ sĩ - điều vẫn được anh thực hiện thường xuyên. Lắm khi, Vượng râu chăm cho phủ thờ còn hơn cả bản thân và gia đình. Cũng biết đó là nhược điểm, nhưng người thân của anh có vẻ cũng “thông suốt” rồi nên chỉ còn biết ủng hộ hơn là chỉnh đốn.

Có công ty riêng và phủ thờ rộng hàng nghìn mét vuông nhưng Vượng râu vẫn nhận mình là dại nhất làng nghệ phía Bắc. Anh tâm sự: “Dân chèo có mấy người biết sống “khôn”, ngoại trừ Xuân Hinh. Cũng “đồng bóng” lắm, nhưng khi cần “tỉnh” thì “tỉnh” gấp mấy người thường. Lão không thích huênh hoang, khoe khoang. Của nả trong nhà có bao nhiêu chỉ mình lão biết, chứ lão không thích bị nhòm rồi quàng xiên là do đi buôn đất, hầu đồng… mà có. Lão chỉ muốn được nhìn nhận ở góc độ nghề thôi, mà nghề thì cũng không cần phải khoe ra, chỉ khán giả biết là được rồi”