Dân Việt

Trao niềm vui, nhận lại nụ cười

Hoàng Minh – Lê San 02/02/2016 09:21 GMT+7
Xen giữa những ngày cuối năm bận rộn, chúng tôi tranh thủ về những vùng quê nghèo để thăm lại những gia đình khó khăn đã được Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN) hỗ trợ trong năm vừa qua. Có những gia đình đã nhận được quà cách đây gần 1 năm, có gia đình chúng tôi mới ghé thăm tặng chưa đầy 1 tháng..., nhưng đến đâu, chúng tôi cũng được bà con tặng lại vô vàn những nụ cười...

Mỗi chú lợn “đẻ” một niềm hi vọng

Trở lại xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An một ngày cuối tháng Chạp, điều chúng tôi nhận thấy đầu tiên là ánh mắt lấp lánh niềm vui của bà con nông dân nghèo khi dẫn ra thăm chuồng nuôi những chú lợn giống mới được Báo NTNN tặng cách đây hơn 1 tháng. Trong âm thanh xôn xao đặc trưng của làng quê những ngày giáp Tết, vài tiếng lợn đòi ăn eng éc, khiến  chúng tôi thêm vui và ấm lòng.

img

Đại diện Báo NTNN trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo ở xã Ninh Lai (Sơn Dương, Tuyên Quang). Ảnh: Đ.D

Xung quanh bát nước chè chiều, với giọng rất hồ hởi, bà con kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện vui xung quanh “con lợn giống  của báo Nông thôn”.

Vừa đi thăm con ở miền Nam về, anh Nguyễn Ngọc Đệ (xóm Tân Thành, xã Tân Hợp) ngạc nhiên khi thấy trong chuồng nhà mình có thêm chú lợn con bụ bẫm. Nhận lợn giống khi chồng đang đi xa, không có ai hỗ trợ làm chuồng, chị Nguyễn Thị Chung- vợ anh Đệ thả rông lợn ngay trong cái khoảnh đất nuôi gà đã nhiều năm bỏ trống. Chú lợn con từ khi được chăm chút chu đáo ở trại giống nay phải sống cảnh hoang dã nên những ngày đầu cũng kém ăn, sút đi trông thấy. Sẵn có cám hỗn hợp, cám gạo được các nhà hảo tâm trao tặng, chị Chung kiếm thêm rau củ nấu lên chăm bón hàng ngày. Nhờ chị “mát tay” nên chỉ sau ít ngày chú lợn “vực” lại và quen dần với cuộc sống nơi đây; vừa thấy chị bước vào, nó vội chạy đến cọ vào người đòi ăn. “Tôi sẽ làm cái chuồng cho lợn vào trước Tết. Làm luôn chuồng 2 ngăn để sau khi lợn đẻ còn có thể giữ lại một con nuôi thành lợn thịt”- anh Đệ nói về dự định của mình.

" Trường có 25 em được hỗ trợ xe đạp. Từ ngày có xe đạp, các em đến trường thuận lợi hơn nhiều. Không phải đi sớm, về muộn như trước nên sức học cũng tốt lên nhiều. Kể cả phụ huynh, ai cũng phấn khởi lắm, động viên con cái học hành cho thật tốt”.
Thầy giáo Đỗ Văn Bắc

Ở nơi những bản làng xa xôi nhất của xã Tân Hợp, những người nghèo bản Nghĩa Thành còn bỡ ngỡ với việc chăn nuôi lợn nái sinh sản. Vốn quen hàng ngày vào rừng kiếm củi, hái măng, nay nuôi thêm chút lợn con, chị Nguyễn Thị Hai bắt đầu tính chuyện trồng rau, nấu cám, tích trữ thức ăn khô cho lợn. Chị mong mình sẽ thành công để đỡ phải vất vả vào rừng kiếm kế sinh nhai. Cách nhà chị Hai một đoạn là nhà bác Nguyễn Kim Minh. Gặp lại chúng tôi bác mừng hết cỡ, khoe con lợn ham ăn, lớn lên trông thấy. Hôm đi nhận lợn, bác không thể ngờ người ta còn cho cả cám, cả tiền để phối giống sau này. “Người ta không bà con chi cả còn quan tâm đến mình, thì mình cũng phải gắng làm ăn để tự giúp mình và không phụ tấm lòng của họ” - bác Minh nói.

Không chỉ những hộ gia đình nghèo tâm huyết với con giống được tặng, mà ngay cả những cán bộ Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên xã, thôn... cũng nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn bà con kịp thời. Ông Lang Văn Khuyên- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hợp đã vạch sẵn kế hoạch trong năm 2016 sẽ mở lớp tập huấn chăn nuôi lợn nái sinh sản để giúp các hộ nông dân nghèo nắm vững kỹ thuật.

  Năm 2015, Báo Nông thôn Ngày nay đã phối hợp với các đơn vị tổ nhiều chương trình thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số  với tổng trị giá quà tặng trên 5 tỷ đổng. Trong đó, nổi bật là một số chương trình như:  “Bánh xe yêu thương, nâng bước tới trường” tặng 220 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo Tuyên Quang, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai; Tặng 10.000 suất quà tết cho bệnh nhân các bệnh viện T.Ư trên địa bàn Hà Nội, người lang thang cơ nhỡ, người nghèo các địa phương Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La...; Tặng 110 con lợn giống cho nông dân nghèo ở Điện Biên), xã Vân Hòa, huyện Ba Vì (Hà Nội), Dền Thàng, huyện Bát Xát, Lào Cai)…

“Những năm gần đây, nhờ có sự hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135, đời sống của bà con Tân Hợp cũng đã đỡ khổ hơn phần nào, nhưng vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh nghèo khó, thương tâm. Món quà của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Báo NTNN trao tặng được dành cho những hộ nghèo có khả năng phát triển chăn nuôi. Địa phương cũng mong rằng từ 50 con giống ban đầu của các nhà từ thiện sẽ được nhân lên để giúp đỡ thêm cho nhiều hộ khác” - ông Khuyên bộc bạch.

Có xe đạp cho bạn đi nhờ!

Ngược lên Tuyên Quang, chúng tôi trở lại xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, nơi vào giữa năm học vừa qua, Báo NTNN đã tặng 50 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo ở Trường Tiểu học và THCS Ninh Lai. Trên đường dẫn đến trường, chúng tôi thấy từng tốp học sinh đi xe đạp ríu rít chuyện trò.

Gặp chúng tôi, thầy giáo Đỗ Văn Bắc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Lai vui mừng cho hay: “Trường có 25 em được hỗ trợ xe đạp. Từ ngày có xe, các em đến trường thuận lợi hơn nhiều, không phải đi sớm, về muộn như trước nên sức học cũng tốt lên nhiều. Như em Đặng Thanh Bình, học lớp 4A, từ học lực khá, qua kì thi vừa rồi đã vươn lên đạt học sinh giỏi. Kể cả phụ huynh, ai cũng phấn khởi lắm, động viên con cái học hành cho thật tốt”.

Với các em học sinh nghèo hiếu học ở Trường Tiểu học Nà Ca (thị trấn Pắc Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), có chiếc xe đạp để đến trường là cả một niềm mơ ước. Và trong tháng 11.2015 vừa qua, ước mơ của 10 em học sinh hoàn cảnh khó khăn nhất đã trở thành hiện thực khi được báo NTNN tặng xe đạp. Từ khi có chiếc xe đạp, em Dương Thị Hoa, học sinh lớp 4 không lúc nào rời nó ra. “Gia đình em có 4 chị em, nhà em ở gần đường đi học không vất vả bằng các bạn nhưng cũng phải đi bộ hơn tiếng đồng hồ mới đến được trường. Nhà nghèo nhưng chúng em thích đi học lắm ạ, chẳng nghỉ học ngày nào đâu, chỉ trừ lúc nào ốm quá thôi. Hôm nào đi học về dọc đường có người cho đi nhờ thì vui lắm ạ. Bây giờ có xe rồi, có người muốn đi nhờ xe của em lại càng vui hơn” – Hoa kể.

img

Bà Nguyễn Thị Bốn làm tạm chiếc chuồng để kịp đón lợn về. Ảnh: L.S

Từ ngày có xe đạp, mấy chị em Hoa thay phiên nhau dùng xe để đến trường. Quãng đường đến trường cũng được rút ngắn nhiều, ngoài thời gian học, em còn có thời gian để giúp bố mẹ việc nhà. 

Ở huyện miền núi, dân cư chủ yếu người DTTS, hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao như huyện Bảo Lâm, để con em đến trường là nỗ lực lớn của cả phụ huynh, cô giáo và học sinh. Cô Nông Thị Lới – Hiệu trưởng cho hay: Mấy năm nay, trường lớp được xây dựng khang trang rồi, lại ở thị trấn nhưng các em đi học còn vất vả lắm. Đa số là con hộ nghèo, nhà ở trên núi cao, mỗi ngày mất hơn tiếng đi bộ từ nhà tới trường. “Với 10 chiếc xe đạp được hỗ trợ, ở dưới xuôi có thể chừng ấy là chưa nhiều, nhưng ở các xã vùng cao và những ngôi trường như của chúng tôi, đó thực sự là những món quà tuyệt vời, đáng mơ ước cho cả học sinh lẫn phụ huynh” – cô Lới chia sẻ./.