Cái nghèo, cái khó thành giai thoại
Bùi Xuân Phái sống và làm việc trong thời kỳ kinh tế đất nước vô cùng khó khăn (những năm 50, 60, 70, 80 của thế kỷ XX), cái thời kỳ mà theo họa sỹ Phan Bảo là “đời sống của văn nghệ sỹ chạm đến đáy của sự nghèo khó”. Ngôi nhà 87 phố Thuốc Bắc, nơi gia đình ông sinh sống, cũng là nơi ông đặt “xưởng vẽ” với diện tích khiêm nhường trên căn gác xép nhỏ. Phải chăng vì điều đó mà tranh của Bùi Xuân Phái đều có kích thước không lớn, thường chỉ bằng kích cỡ của cái bảng vẽ ký họa, cuốn vở học trò và thậm chí còn nhỏ hơn như thế.
Ông vẽ chủ yếu bằng sơn dầu và có thể vẽ trên tất cả bề mặt để thành tranh. Hà Nội của ông nhiều khi được vẽ cả trên những vỏ bao thuốc lá. Cái nghèo, cái khó đã làm thành giai thoại về ông: Phái đổi tranh lấy cà phê. “Cafe Lâm” là cái tên đã gắn với sự nghiệp của Bùi Xuân Phái, cũng đã quen thuộc với những người yêu tranh ông.
Cuộc đời của Bùi Xuân Phái không ít thăng trầm. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941-1946, năm 1956-1957, ông giảng dạy ở trường Mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, vì một số lý do, ông phải thôi giảng dạy. Song, được vẽ là được sống, được sống là vẽ, vẽ và Hà Nội là hơi thở của ông.
Khát vọng tìm về quá khứ
Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái hiện lên với những mảng màu trầm ấm, đường nét cô đọng. Hà Nội trong tranh ông là những mái phố nghiêng nghiêng, những gánh hàng rong, chiếc xích lô, cây cột điện liêu xiêu nơi đầu phố… Đó là phố Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Mã Mây, Hàng Mắm… Ngôn ngữ trong tranh ông khái quát, cô đọng, gợi được cái hồn của Hà Nội. Sự trầm tư, cổ kính, giản dị, tinh tế và sâu lắng của từng con phố hiện lên với đen, nâu vàng, ghi xám. Phố cổ của Bùi Xuân Phái đã trở thành một phần của bản sắc văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ.
Phố Hàng Bạc, Bùi Xuân Phái
Hà Nội ngày nay đã khác rất nhiều Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái, với những ồn ào và vội vã. Cái thanh - nhã của Hà Nội xưa bị che khuất bởi sự sôi động của nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay, người ta tìm về tranh Bùi Xuân Phái như tìm về sự tích đọng lại một thời của Hà Nội, để nghe một tiếng rao đêm, để được lang thang qua từng con phố mà thưởng ngoạn “quà” Hà Nội, để được thở, được sống trong không gian sâu trầm, nhẹ nhàng, yên tĩnh. Tất cả những hoài niệm đó như đóng khung lại trong từng gam màu với những viền đen sẫm đậm, giống như in hình của quá khứ đã qua.
Phố Mã Mây, Bùi Xuân Phái
Tranh của Bùi Xuân Phái mới được người ta ca ngợi từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi Hà Nội chuyển mình bước sang một thời đại mới. Hà Nội càng xa với cái sâu trầm vốn có của nó, người ta càng tìm về tranh Bùi Xuân Phái như khát vọng xuôi dòng thời gian để tìm về âm vang của quá khứ. Bùi Xuân Phái đã khắc họa diện mạo của Thăng Long - Hà Nội. Ông xứng đáng là người con ưu tú của Thủ đô. Và cây đại thụ ấy đã làm thế giới biết đến một nền Mỹ thuật Việt Nam.