NSND Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924 tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Trước khi được ghi nhận là “vua Vọng cổ”, Viễn Châu được mọi người biết đến là một trong những danh cầm hàng đầu của sân khấu cải lương với nghệ danh Bảy Bá. Một thời, Bảy Bá - đàn tranh, Năm Cơ - đàn sến và Văn Vỹ - guitar phím lõm được xem là “tam đại danh cầm” của sân khấu cải lương Sài Gòn.
Sáng tác đầu tiên của ông dưới bút danh Viễn Châu là vở cải lương Nát cánh hoa rừng (phóng tác từ truyện của Khái Hưng) được dàn dựng trên sân khấu đoàn Việt Kịch Năm Châu vào năm 1950, được công chúng hưởng ứng nồng nhiệt. Ngoài Việt Kịch Năm Châu, ông còn cộng tác với các đoàn: Kim Thanh - Út Trà Ôn, Thanh Tao, Thanh Nga, Dạ Lý Hương… và sau năm 1975 là Đoàn Văn công TPHCM, Đoàn Cải lương 284 và nhiều đoàn hát ở các tỉnh
Sự nghiệp sáng tác của ông rất đồ sộ với khoảng 50 vở cải lương được dàn dựng và biểu diễn khắp các sân khấu lớn nhỏ và hơn 2000 bản Vọng cổ được thu băng, thu thanh phát hành rộng rãi. Ông cộng tác thường trực với các hãng đĩa: Việt Nam, Kim Long, Việt Hải, Thăng Long, Sống mới… và sau này là Sài Gòn Audio.
NSND Viễn Châu được xưng tụng là “vua Vọng cổ” không đơn giản bởi số lượng khổng lồ các bài Vọng cổ đã sáng tác mà ông được xem là người khai sinh thể loại “tân cổ giao duyên” – kết hợp tân nhạc với cổ nhạc. Tuy bị phản ứng rất gay gắt lúc ban đầu nhưng sức sống bền bỉ của thể loại này cho đến tận ngày nay, cùng những tác phẩm đã trở thành kinh điển như: Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Chuyện tình Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử, Ai ra xứ Huế, Đêm tàn bến ngự, Mẹ dạy con… đã khẳng định giá trị độc đáo của “tân cổ giao duyên” trên sân khấu cải lương.
NSND Viễn Châu - danh cầm Bảy Bá bên cây đàn tranh sau đợt bạo bệnh năm 2012. Ảnh: Thanh Hiệp
Đặc biệt, những bản Vọng cổ của ông đã góp phần làm nên tên tuổi của nhiều ngôi sao hàng đầu của sân khấu cải lương, như: NSND Út Trà Ôn với Tình anh bán chiếu, NSND Lệ Thủy với Lá trầu xanh, NSND Bạch Tuyết với Dương Quý Phi, NSƯT Mỹ Châu với Hòn vọng phu, NSƯT Tấn Tài với Bông ô môi, NSƯT Út Bạch Lan với Hoa lan trắng, NSƯT Diệu Hiền với Tần Quỳnh khóc bạn…
Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật cải lương. Sự ra đi của NSND Viễn Châu thật sự là một mất mát không thể bù đắp của sân khấu cải lương Việt Nam
Theo thông báo từ Hội Sân khấu TP HCM, lễ tẩm liệm NSND Viễn Châu sẽ diễn ra lúc 6h sáng ngày 2/2 tại tư gia và đưa về quàn tại Nhà Tang lễ TP HCM (25 Lê Quý Đôn, Quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 2/2. Lễ động quan lúc 6h sáng ngày 4/2, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.