Ngày thường: 120.000 đồng, gần tết: 150.000 đồng
Sáng 1.2, theo ghi nhận của NTNN, lượng khách đến các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát có tăng so với ngày thường nhưng có xe xuất bến vẫn còn dư chỗ. Các xe kín hành khách khi xuất bến, thường là xe giường nằm chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai hay Hà Nội – Nghệ An, Hà Nội - Hà Tĩnh.
Để đáp ứng nhu cầu của hành khách, các bến xe đã bắt đầu sử dụng xe tăng cường. Như tại Bến xe Mỹ Đình những ngày qua đã bổ sung khoảng 200 lượt xe/ngày để đáp ứng lượng khách tăng lên khoảng 30% so với ngày thường.
Ra khỏi Bến xe Mỹ Đình, xe khách đi Thái Nguyên nhiều lần dừng đỗ để bắt khách dọc đường Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng. V.H
Ở Bến xe Mỹ Đình, ngay từ cửa bến có một tổ kiểm tra các xe có nhồi nhét khách hay không. Các nhân viên của bến xe lên tận xe để đếm khách và chụp ảnh ghi nhận lại. Ông Nguyễn Quốc Uy – Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Chúng tôi thực hiện việc này từ Tết Dương lịch, tất cả các nhà xe đều phải ký cam kết không được chở quá số khách quy định, không tăng giá vé quá mức đã đăng ký với bến”. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, ngay khi ra khỏi Bến xe Mỹ Đình, nhiều xe khách tiếp tục dừng đỗ, đón khách dọc đường. Khi đã bắt xe giữa đường, hành khách sẽ chịu nhiều rủi ro bị nhà xe nâng giá vé.
Anh Trần Xuân Lộc (quê Thái Bình) vừa đi tuyến Thanh Hóa – Hà Nội đến Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Tôi đi chuyến xe này hết 150.000 đồng, trong khi giá vé ngày thường là 120.000 đồng. Những ngày này, xe nào cũng nâng giá lên khoảng 30%”.
Còn bà Hoàng Thị Nhung (50 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, để về đến huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa hiện giờ cũng phải trả mức giá 150.000 đồng/lượt. Bà Nhung cho hay: “Người ta có đòi mức giá cao hơn cũng phải trả mà về, chứ không kỳ kèo được”. Điều đáng nói, dù trong bến xe vẫn bán vé nhưng bà Nhung “chỉ thích” ra ngoài đường để bắt xe chứ không chờ trong bến.
Hành khách nên vào bến mua vé đi xe
Ban quản lý Bến xe Giáp Bát dự tính lượng khách trong các ngày cao điểm phục vụ tết tăng khoảng 150%, đạt mức từ 25.000 -30.000 lượt khách/ngày. Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Xí nghiệp bến xe phía Nam cho biết, tại Bến xe Giáp Bát sẽ bố trí thêm trên 100 xe tăng cường phục vụ người dân. Với phương châm là phục vụ đến hành khách cuối cùng, không để hành khách phải chờ ở bến qua đêm. Có nghĩa là lúc nào hết khách, bến xe mới hết phục vụ. |
Ông Nguyễn Quốc Uy cho biết, để hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc”, Bến xe Mỹ Đình đang phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý những xe vi phạm ở bên ngoài bến. Nghĩa là, cho dù anh chấp hành quy định trong bến nhưng vi phạm bên ngoài, có thông báo của cơ quan chức năng gửi về vẫn bị xử phạt. Mức phạt đối với các xe vi phạm là đình chỉ hoạt động tại bến từ 3 – 15 ngày. Ông Uy cho hay, ngay trong ngày 1.2, Bến Mỹ Đình đã có quyết định đình chỉ hoạt động đối với xe khách biển kiểm soát 29B-08946 chạy tuyến Hà Nội – Thái Nguyên.
Ông Uy cho biết: “Từ thông tin do báo chí, hành khách cung cấp chúng tôi đã xác định được xe này chở quá số hành khách quy định, thu quá mức tiền vé đã đăng ký tại bến. Nếu xác minh được lái xe, phụ xe có hành vi đe doạ hành khách, thời hạn đình chỉ sẽ còn tăng lên”.
Cụ thể, xe 29B – 08946 là xe 29 chỗ nhưng sau khi rời Bến xe Mỹ Đình đã đi chậm, chạy lòng vòng bắt thêm khách, nhồi nhét gần 50 người trên xe. Mức giá vé nhà xe này đăng ký với bến xe là 42.000 đồng/người/lượt nhưng đã thu của hành khách đến 60.000 đồng.
Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, Tổng cục đang phối hợp để chuyển dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe khách cho các Sở GTVT để phát hiện các xe đi “rùa bò”, dừng đỗ trái phép quanh khu vực bến xe. “Hành khách khi phát hiện hiện tượng nhồi nhét, bán khách, thu tiền cao hơn giá vé niêm yết có thể gọi điện hoặc nhắn tin phản ánh đến số 0913.432.383. Hành khách nên nhắn đầy đủ thông tin về hành trình xe, biển số xe và nội dung vi phạm để chúng tôi có căn cứ xử lý”- bà Hiền đề nghị. /.