Đó là báo cáo mới nhất của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) về tình hình quản lý, kiểm tra thực phẩm trước dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Doanh nghiệp sợ, trang trại làm ngơ
Theo báo cáo từ đoàn thanh tra của Bộ NNPTNT và các địa phương, số mẫu phát hiện dương tính với chất cấm đã giảm khá nhiều so với tháng 12.2015. Trong tháng 1.2016, Thanh tra Bộ NNPTNT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất TACN, gồm 20 doanh nghiệp ở phía Bắc và 11 doanh nghiệp ở phía Nam; lấy 207 mẫu kiểm tra và đều không phát hiện có chất cấm Salbutamol và chất tạo màu công nghiệp Auramine.
Phối trộn thức ăn chăn nuôi tại một đại lý ở Bình Lục, Hà Nam (ảnh minh họa). T.X
Việc các doanh nghiệp không sử dụng chất cấm để trộn vào thức ăn, theo lý giải của lãnh đạo Thanh tra Bộ NNPTNT là do thời gian qua Thanh tra Bộ, C49 (Bộ Công an) đã vào cuộc quyết liệt nhằm phát hiện và ngăn chặn những hành vi sử dụng chất cấm và áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc, nên đã tạo ra sự răn đe rất lớn. Đặc biệt, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự (Điều 190 và 317) nên doanh nghiệp tỏ ra e ngại. Bên cạnh đó, nguồn cung chất cấm từ các công ty dược cũng được các cơ quan chức năng ngăn chặn, không để tuồn ra thị trường.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, qua kiểm tra mẫu nước tiểu vật nuôi ở một số trang trại cho thấy vẫn còn hiện tượng sử dụng chất cấm, dù tỷ lệ này đã giảm đáng kể: Từ 15-26% xuống còn 4-9%. Việc một số trang trại còn sử dụng chất cấm, chủ yếu từ nguồn trôi nổi do các thương lái, đại lý cung cấp nhằm vỗ béo lợn để bán trong dịp tết.
Thực tế trên cho thấy, tình hình kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi đang được các cơ quan chức năng ở Trung ương và các địa phương triển khai quyết liệt, nhất là từ khi áp dụng kít thử nhanh trong kiểm tra nước tiểu vật nuôi thì hầu hết các địa phương đều vào cuộc và phát hiện thêm các điểm mới có dương tính với chất cấm. Hiện nay, Cục Chăn nuôi và Cục Thú y đang phân phát khoảng 8.000 - 9.000 kit thử nhanh đến các đơn vị có liên quan. Theo đánh giá của Cục Thú y, việc dùng kit cho kết quả tương đồng đến 98% so với phương pháp xét nghiệm hiện nay.
20 tỉnh bán nông sản sạch
Trong tháng 1.2016, kết quả kiểm tra của 30/63 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đã tăng lên 94,6% (năm 2015 là 82%); 61,7% cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra (năm 2015 là 63%). |
Cũng theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến nay đã có 20 tỉnh/thành phố báo cáo đã xây dựng được 207 chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn. Nông sản từ các chuỗi này được bán tại 249 cơ sở phân phối thực phẩm, trong đó có 13 cơ sở được kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo, thịt lợn an toàn được xác nhận và công khai tại nơi bày bán. Riêng Hà Nội đang thông qua hội đồng thẩm định cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn cho 6 cơ sở bày bán sản phẩm an toàn.
Để triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội xuân 2016, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tại TP.Đà Nẵng và Quảng Nam. Đoàn đã kiểm tra 6 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, có 4 cơ sở mắc sai lỗi không lớn chủ yếu về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, công bố hợp quy/phù hợp quy định an toàn thực phẩm và ghi nhãn thực phẩm; lấy 22 mẫu sản phẩm để phân tích các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, kết quả đều đạt yêu cầu./.