Dân Việt

Nhập khẩu đậu tương tháng 1 tới 170.000 tấn

Hương Đỗ 03/02/2016 07:42 GMT+7
Theo ước tính của Bộ NNPTNT, giá trị nhập khẩu trong tháng 1 của ngành nông lâm, thủy sản đạt 2,01 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 1,45 tỷ USD, giảm khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 161 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2015.

Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong năm 2015 là Argentina (chiếm 42,5% thị phần), tiếp đến là Mỹ (12,6%), Brazil (9%) và Trung Quốc (5,8%). Thị trường có giá trị tăng đột biến so với cùng kỳ là Áo (gấp hơn 68 lần).

Đối với mặt hàng cao su, uớc khối lượng nhập khẩu đạt 41.000 tấn với giá trị đạt 57 triệu USD, tăng 26,1% về khối lượng nhưng lại giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu năm 2015 từ các nước như Hàn Quốc (chiếm 19,9%), Nhật Bản (15,9%) và Campuchia (11,9%).

img

Trong tháng qua Việt Nam đã nhập 33.000 tấn điều thô về chế biến. T.L

Các ngành hàng khác như ngô, đậu tương cũng có chiều hướng giảm. Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu đạt 170.000 tấn với giá trị 69 triệu USD, tăng 46,7% về khối lượng và tăng 18,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Khối lượng ngô nhập khẩu đạt 801.000 tấn với giá trị đạt 158 triệu, tăng 10,5% về khối lượng, nhưng lại giảm 6,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trước đó, trong năm 2015, tổng khối lượng nhập khẩu ngô đã đạt mức trên 7,5 triệu tấn. Năm 2015, Brazil và Argentina là hai thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng ngô, chiếm lần lượt là 64,5% và 31,3% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Thị trường có giá trị tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2014 là Argentina tăng gấp 5,8 lần về khối lượng và tăng gấp 5,1 lần về giá trị.

Đáng chú ý, trong tháng 1, giá trị nhập khẩu mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu ước đạt 68 triệu USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2015. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu năm 2015 chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 51,3% tổng giá trị của mặt hàng này.