Câu chuyện giữa tôi với chủ trang trại lớn nhất xã Mường Nhé - ông Lò Văn Tưởng đang vui thì chiếc điện thoại di động của lão đổ dồn. Lão quay sang bảo: Tôi phải đi nhận cá giống ngay bây giờ. Cán bộ sang bên khe Huổi Mớ gặp ông Khao cũng có nhiều chuyện vui lắm. Yêu đất, yêu nghề nông như lão ấy cũng thuộc hạng hiếm có…
Thích làm trang trại từ bé
Chia tay lão Tưởng trong nuối tiếc vì chưa kịp biết gì nhiều về trang trại lớn nhất xã Mường Nhé, tôi tìm sang nhà lão nông Lò Văn Khao. Anh cán bộ Văn phòng Huyện uỷ Mường Nhé bảo: "Nhà báo cứ bỏ xe máy lại bên đường nhựa, xắn quần lội qua mấy cái khe suối, hết đường mòn là đến nhà nương của lão Tưởng”.
Sau một hồi trèo đèo, lội suối, tôi cũng nhìn thấy ngôi nhà nương to uỳnh của lão Khao nằm giữa mấy cái ao cá lớn trong khe Huổi Mớ. Thấy tiếng chó sủa, lão Khao lật đật khoác chiếc quần dài rách te tua chạy ra đón khách. Vừa xỏ chân vào ống quần, lão vừa cười: Cán bộ thông cảm! Mình tìm mãi mà không thấy cái áo đâu, chắc con trâu, con bò thấy mồ hôi mặn nên ăn mất rồi, đành cởi trần cho mát…
Ao cá và trang trại của lão Khao đã trở thành kho dự trữ thực phẩm tươi sống của trung tâm huyện lỵ Mường Nhé. |
Sau khi rời thanh niên xung phong, năm 1980, lão Khao trở về quê hương. "Vì mình đã học hết lớp 2, lại là lực lượng vũ trang trở về nên xã bảo tham gia làm cán bộ xã, bản. Nhưng mình chỉ thích làm nông nghiệp thôi, cứ ước mơ có nhiều đất, có vốn liếng để trồng cây, nuôi cá, chăn thả trâu, bò".
Thế là sau hơn chục năm làm cán bộ xã, cuối thập kỷ 90, lão Khao xin nghỉ để trở thành nông dân. Mường Nhé ngày ấy kiếm đất làm trang trại gần nhà không khó nhưng khó nhất là kinh nghiệm, vốn liếng và tiêu thụ sản phẩm.
Khởi nghiệp trang trại của lão Khao chỉ có 1 con chó cái, 1 con lợn nái và 1 con trâu già yếu. Ngày ngày, lão phát cây cỏ, đào ao, khơi suối và trồng lúa, ngô để lấy cái ăn.
“Có đất rồi, mình đến Bộ đội Biên phòng và gặp các thầy, cô giáo hỏi kinh nghiệm làm ăn mới của vùng xuôi. Được chỉ bảo kỹ càng nên mình làm ăn hiệu quả, chỉ mấy năm đã dư thóc, có cá, gà, lợn để ăn quanh năm, cho người quen, đổi công lao động. Con trâu già cũng sinh được con nghé đầu tiên, lại là nghé cái…" - ông Khao kể.
Tiếp viên thực phẩm tươi của huyện lỵ
Chiếc điện thoại Nokia màn hình đen trắng giá "2kg trắm cỏ tươi" của lão Khao đổ chuông réo rắt. Sau một hồi ậm ừ nhận thông tin, lão bảo: "Mình lại có việc rồi. Phải bắt 12 con gà và 9kg cá mang ra cho quán ăn ngoài huyện. Chiều nay họ có khách đặt cơm. Cán bộ cứ ngồi chơi, lát nữa mình về ta làm gỏi cá uống rượu…".
Tôi dạo một vòng ngắm nhà nương của lão Khao, tuy to rộng, nhưng ngoài cái nồi nấu cám và chiếc radio đang treo trên cột thì cũng chỉ còn lại mỗi cái giường đôi tôi đang ngồi dùng thay bàn nước. Vậy là tôi tình nguyện đi bắt gà cùng lão.
Nhìn cái trang trại mênh mông, cây cỏ um tùm mà chỉ có mấy con mái già đang ủ đàn con nép dưới gầm sàn, bụi chuối, tôi nghĩ bụng: Lão Khao nói phét chứ gà qué ở đâu ra mà bắt cả chục con. Với lại đồi đất mênh mông thế này, lại là gà thả tự nhiên, có đuổi ốm xác cũng chưa chắc đã vồ được con nào. Đang định quay vào nhà thì lão Khao bước ra: “Đi với mình, bắt được gà ngay thôi mà”.
Lão đến bên chuồng gà, thả những hạt ngô rơi toong toong lên một cái khay nhôm, miệng lủng bủng "túc…túc…túc…". Thế là hàng chục con gà lao ra khỏi các bụi cây, phóng về và chen nhau vào cửa chuồng. Có con chưa kịp mổ hạt ngô nào đã bị lão tóm sống. Tôi giúp lão cho gà vào bao tải.
Vừa làm, lão vừa giải thích: Mình là tiếp phẩm tươi sống của huyện nên phải có cách bắt gà chủ động bất kể lúc nào. Chỉ cho gà ăn bữa tối, còn ban ngày để đói thì khi cần bắt chỉ việc ném ngô ra là nó xông vào ngay. Ở đây mình có cả trăm mái gà và vài ba tấn cá, lại đáp ứng kịp thời gian của nhà hàng nên họ đều đặt hàng cho mình qua điện thoại.
Việc bắt cá của lão Khao đơn giản hơn vì ao của lão nhung nhúc trắm cỏ, chép, rô phi, lại có cả vó, lưới và chài hỗ trợ. Vì thế việc giao hàng của lão hoàn thành sớm và thức ăn cho bữa tối của hai chúng tôi cũng được chủ động… Lôi chai rượu nút bằng lá cây từ trong ếp ra, lão khoe: Rượu nhà nấu ở ngoài thị trấn đấy. Mỗi ngày vợ và con tôi nấu 2-3 nồi, lấy thêm bỗng làm thức ăn cho 60-70 đầu lợn.
Từ ngày huyện chuyển vào đây, mỗi năm nhà tôi xuất chuồng vài ba tấn lợn hơi, hơn tấn gà, vịt; thu được 6-7 tấn thóc, chưa kể ngô, sắn và hoa quả khác. Trên nương vẫn còn hơn chục con trâu, bò. Tính ra mỗi năm mình cũng thu được hơn trăm triệu. Nông dân mà yêu đất thì đất cũng trả công cao đấy. Bây giờ thì nhiều người đã học và làm theo cách của mình...”.
(Còn nữa)
Kiều Thiện