Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: Người Việt Nam mình có truyền thống đi vay. Thời xưa vay thóc để gieo trồng rồi đến khi gặt hái mới đem trả nợ. Cuộc sống khó khăn thì vay nhau cân gạo đợi đến thu hoạch thì trả. Và sau này một thời có phong trào góp tiền cho nhau vay bằng hình thức chơi họ, hụi… Tất cả những hình thức đó không có gì là xấu, chỉ khi bị biến tướng mới là xấu. Chính vì vậy, thói quen vay mượn để có vốn làm ăn là tâm lý, tập quán của người Việt Nam, đã có từ lâu rồi.
Vậy theo ông khi nào thì “tín dụng đen” phát triển mạnh và có "đất sống"? Liệu có phải khi kinh tế khó khăn, hay do người dân không hiểu biết pháp luật, hay vì lý do tham nhũng mà người ta cần nhiều tiền trong chốc lát để chạy dự án nên chấp nhận vay “tín dụng đen”?
- Người dân cần vốn tín dụng để làm ăn, kinh doanh phục vụ nhu cầu cuộc sống nhưng vì các hình thức, chương trình vay chính thống không đáp ứng được nên không có cách nào khác, họ phải chấp nhận vay “tín dụng đen” mặc dù biết lãi suất cắt cổ và đầy nguy hiểm. Hệ thống các ngân hàng do thủ tục đòi hỏi phức tạp nên người dân, nhất là vùng nông thôn không đáp ứng được yêu cầu. Còn lý do vì nền kinh tế khó khăn, người dân không hiểu biết chỉ là một phần.
Liệu để xảy ra tình trạng này có phải là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và cả các cơ quan quản lý?
“Tín dụng đen” được quảng cáo khắp các phố phường. Ảnh: I.T
- Rõ ràng việc người dân phải chấp nhận vay “tín dụng đen” chỉ khi họ không thể hoặc quá khó khăn không tiếp cận được vốn tín dụng của Nhà nước. Hệ thống các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng nông nghiệp, nông thôn đã không làm tròn trách nhiệm giúp người dân có nhu cầu được tiếp cận với nguồn tín dụng nhà nước.
Bên cạnh đó còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương đã để cho tín dụng đen hoành hành, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi mà người dân khó tiếp cận vốn hơn người dân thành thị, mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi. Thậm chí nhiều nơi họ còn bắt tay với nhau để chia lợi nhuận.
Theo ông, cần những giải pháp đồng bộ gì để hạn chế sự tàn phá của “tín dụng đen” trong đời sống xã hội?
- Tôi cho rằng cần phải có chiến lược rất đầy đủ và toàn diện mới có thể loại bỏ bớt những tác động tiêu cực của “tín dụng đen” đối với đời sống xã hội. Không thể chỉ bằng một vài ý kiến đề xuất mà cần có sự học tập, tham khảo, nghiên cứu ở những nước có nền kinh tế thuộc loại đang phát triển như mình để học tập những mô hình và áp dụng. Chỉ khi nào người dân được tiếp cận với tín dụng một cách minh bạch, rõ ràng về thủ tục, được hưởng ưu đãi của chính sách thì lúc đó mới có thể loại bỏ dần “tín dụng đen” trong đời sống xã hội, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Xin cảm ơn ông!