Tết là phải đi du lịch
Ramzi Abuawwad, người Palestine, hiện đang học năm thứ ba, ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp tại trường Đại học Xây dựng chia sẻ, do khi Tết đến các bạn Việt Nam về quê hoặc đều ở bên gia đình nên cậu không còn nhiều bạn chơi.
Đặc biệt trong những ngày đầu năm mới mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết tất cả các cửa hiệu, dịch vụ đều đóng cửa. Do có cả một kỳ nghỉ dài, do vậy Ramzi Abuawwad cùng một nhóm bạn thân muốn tận dụng thời gian này lên kế hoạch đi du lịch.
Tết năm ngoái nhóm bạn đi vào thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Mũi Né (Phan Thiết) khám phá vẻ đẹp độc đáo của 3 vùng miền của Việt Nam; còn năm nay thì cả nhóm đang trên đường đến Thượng Hải- Trung Quốc, du lịch cho đến hết kỳ nghỉ tết.
Khi được hỏi về những món ăn trong dịp Tết, Rami Abuawwad thú nhận là ăn bánh chưng rất ngon, thường hay hẹn các bạn Việt Nam đề dành bánh cho mình sau dịp Tết. Tuy nhiên, cậu lại thích nhất là bánh rán giòn, ngọt, ngon giá thì vô cùng rẻ và đặc biệt là rất dễ làm, không phải gói như bánh chưng. Do đó, những dịp đặc biệt bạn ấy hay cùng các bạn làm món bánh rán này. Bạn tự nhận mình là khá khéo tay và là người đàn ông của bếp núc.
Rami Abuawwad trổ tài làm bánh rán mời các bạn.
Một người bạn của Ramzi Abuawwad là Sulieman Aljamal, sinh viên Pakistan đang học khoa Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Ngoại Thương tâm sự, Tết năm nay bạn dự định sẽ cùng các bạn Việt Nam đi chúc Tết thầy cô trong trường.
Ban đầu có chút lạ lẫm sau đó, Sulieman Aljamal nhấn mạnh, cậu thích văn hóa của người Việt vì Ttết không chỉ dành cho gia đình mà còn cho cả những người thân yêu như các thầy cô giáo. Cậu sinh viên Pakistan chia sẻ, ở quê nhà cậu không có dịp nào như vậy.
Sulieman Aljamal cho rằng trong đêm giao thừa, ra ngoài đường hòa vào đám đông tại hồ Gươm ngắm pháo hoa là một ý tưởng hay, tuy nhiên cậu bạn nói nửa đùa nửa thật rằng: “Giá như mà có một cô bạn gái người Việt để cùng ngắm pháo hoa thì thật lãng mạn”.
Sulie Aljamal mô tả lại rằng, cậu muốn trải nghiệm cảm xúc giống như trong bài hát có câu: “Bên em, bên em, anh say trong hạnh phúc…” (lời bài hát Khúc giao mùa - nhạc sĩ Anh Tuấn). Sulieman Aljamal chia sẻ, Tết đến hay nghe thấy một bài hát nhiều đến nỗi thuộc 1 vài câu là: “Tết,Tết, Tết đến rồi….Tết đến trong vui mọi nhà…” (bài hát “Ngày tết quê em” - nhạc sĩ Từ Duy). Sulieman Aljamal luôn làm mọi người cảm thấy bất ngờ về khả năng tiếng Việt của mình.
Tết là phải ăn bánh chưng
Hoeung Sophany, du học sinh Campuchia đang học năm thứ ba tại khoa Kinh tế và Đầu tư của Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, chưa một cái tết Việt Nam nào mà cậu bỏ lỡ.
Là một sinh viên ưu tú, Hoeung Sophany đang một trong 6 thành viên của trưởng Ban Hội sinh viên Campuchia tại Việt Nam khu vực miền Bắc và đang làm việc tại công ty cổ phần truyền thông Vtech.
Khi được hỏi nghĩ đến điều gì đầu tiên khi nhắc đến Tết Việt, cậu trả lời ngay là bánh chưng vì đây là một loại bánh truyền thống của Việt Nam bên trong là nhân đậu có thịt mỡ rất bùi ngậy, nếu được rán lên thì còn ngon hơn nữa.
Nếu không phải là ngày Tết thì bạn chỉ có thể ăn bánh chưng ở các quán vỉa hè đã bị cắt thành lát và dán. Hoeung Sophany bật mí, cậu thường hay ăn món này vào mỗi sáng đi học.
Sulieman Aljamal và Rami Abuawwad hòa vào dòng người tới hồ Gươm xem bắn pháo hoa Tết năm 2015.
Năm đầu tiên vì chưa quen biết nhiều các bạn Việt Nam do đó Hoeung Sophany chỉ cùng với các bạn du học sinh ở lại trong trường cùng nhau nấu ăn làm một bữa tiệc nhỏ có đầy đủ các món ăn truyền thống của Tết Việt như giò, chả, bánh trưng, dưa hành, thịt gà luộc lá chanh…
Năm tiếp theo, Hoeung Sophany bắt đầu đi chơi ở các tỉnh lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc theo lời mời của bạn, thăm chùa Vĩnh Nghiêm tại Bắc Giang do Hội hữu nghị Việt Nam và Campuchia tổ chức, mùng 2 Tết được xem lễ hội Lim ở Bắc Ninh.
Đây là một trải nghiệm không thể quên được khi cậu được nghe làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, khi mà người nam và người nữ ở trên hai chiếc thuyền trôi trên sông hát đối đáp nhau mà theo bạn hiểu là các nam thanh nữ tú đang bày tỏ tình cảm với nhau. Có cả đám rước - điểm này khá giống với đất nước Campuchia của cậu.
Ở Vĩnh Phúc, tại nhà của người bạn, Hoeung Sophany có một bữa ăn ấm cúng cùng gia đình. Họ rất nhiệt tình. Hoeung Sophany và các bạn tự nấu ăn rất thân mật, ấm cúng, thoải mái trong một gia đình người Việt.
Trong bữa ăn đó có nhiều món truyền thống của Việt Nam: Có bánh giò , bánh chưng , miến xào , gà luộc…
Điều thích thú nhất là sau khi ăn cơm xong, bố của người bạn mời Hoeung Sophany uống trà cùng với kẹo lạc mà gia đình tự làm. Hoeung Sophany chia sẻ, kẹo lạc rất ngon khi uống với trà nóng. Uống trà xong, Hoeung Sophany cùng các bạn đến chùa cầu may mắn.
Tết năm nay, Hoeung Sophany quyết định thăm lại mảnh đất Vĩnh Phúc và đi xa hơn tới Hòa Bình, Mộc Châu (Lai Châu) vì cậu luôn muốn tìm hiểu hết tất cả những vùng đất lạ trên dải hình chữ S.