Dân Việt

Lão nông "lội ngược dòng" về Trà Vinh lập chuỗi công nghệ khép kín

Mai Phương 16/02/2016 07:00 GMT+7
Khi giấc mộng Việt Nam trở thành thung lũng silicon Đông Nam Á còn quá xa vời, có một người đàn ông “lội ngược dòng” về Trà Vinh, tạo lập chuỗi công nghệ khép kín, từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, phân phối cho thị trường khu vực và quốc tế…

Từ cậu bé mồ côi cha phải kiếm sống bằng đủ nghề. Rồi lênh đênh xứ người, nhọc nhằn phấn đấu trở thành tiến sĩ khoa năng lượng và vật liệu, Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Mỹ Lan Group, từng có hơn 60 bằng sáng chế vật liệu hoá quang điện tử. Tất cả nỗ lực của ông cũng chỉ để một ngày trở về Trà Vinh, tạo lập công ty riêng, xây trường học, bệnh viện… Ông muốn khẳng định với mọi người về những giá trị thật đã từng có của người Việt Nam: sức sáng tạo, sự khác biệt, và một tinh thần bất khuất trong mọi nghịch cảnh.

Làm thế nào để biến Chuỗi, Chất lượng, Công nghệ thành hiện thực?

Việt Nam chưa có chuỗi hay kế hoạch để phát triển chuỗi giá trị cho tốt. Thông thường chỉ bán hàng khi nào có đơn đặt hàng. Khi chỗ khác mua cao hơn lại bỏ ngay khách hàng cũ, không xây dựng một chiến lược để cung cấp, tạo chuỗi giá trị như các công ty nước ngoài.

img

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Mỹ Lan Group. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Ví dụ cà phê Starbucks làm rất đồng bộ, đưa ra tiêu chuẩn rất cao, bắt buộc các đối tác nhượng quyền phải theo đúng tiêu chuẩn họ đặt ra. Còn càphê Trung Nguyên ai làm chỗ nào cũng được, ai có mặt bằng là mở ra, mình không đặt tiêu chuẩn bắt buộc để xây dựng thương hiệu, mà chỉ lo bán hàng. Vào TPP phải thay đổi tư duy làm ăn nhỏ lẻ, tạo niềm tin khách hàng trong 11 nước còn lại.

Riêng việc áp dụng công nghệ, không mặc cảm hay buồn bã nếu ăn cắp công nghệ để làm tốt hơn. Tại sao người Việt Nam thông minh nhưng lại thiếu sáng tạo? Tại sao hàng năm có hàng ngàn sáng chế mang tên Việt Nam nhung hầu hết là của người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm tới 94% bản quyền, người trong nước chỉ chiếm 6%? Đó cũng là hành trình Mỹ Lan về đây làm ăn.

Để tạo sức bật mới cho Việt Nam, đòi hỏi chính sách về phát triển công nghệ phải thay đổi hoàn toàn. Bên cạnh đó là nỗ lực của từng cá nhân. Đã quá lâu đại đa số lười biếng suy nghĩ khác, bị độc quyền đúng bởi thiểu số. Không suy nghĩ khác thì không thể sáng tạo. Thầy và sếp nói luôn luôn đúng đưa tới chuyện công nghệ mình chỉ copy mà copy dở chứ không giỏi, Trung Quốc copy nhưng copy giỏi. Tại sao mỗi lần qua Tân Sơn Nhất đều bị đòi tiền? tại sao không đặt câu hỏi? Nếu đặt câu hỏi sẽ có câu trả lời. Đừng sợ TPP, doanh nghiệp sẽ bằng mọi cách để sống còn và tồn tại.

Cho đi một cách ý nghĩa nhất

Sống, làm việc không ngừng, cả cuộc đời ông chỉ là để làm sao cho đi một cách có ý nghĩa nhất. Ông chia sẻ: “Trách nhiệm với cộng đồng nên coi đó là lợi nhuận, lợi đầu tiên trái đất sẽ xanh hơn, mình sống khoẻ khoắn hơn. Nên coi đó là chuyện bắt buộc phải làm mới tồn tại được. Trái đất trong những ngày sắp tới sẽ khô cằn hơn, thiếu nhiên liệu hơn.

Mỗi năm loài người cần 60 tỉ mét khối nước, nếu cứ phí phạm hàng ngày làm sao sống. Doanh nghiệp nên dành một khoản tiền để dùng nó phát triển sản phẩm xanh hơn, tạo dựng cộng đồng xung quanh xanh hơn, thân thiện hơn. Cái đó sẽ cho mình lợi nhuận, cơ hội phát triển bền vững hơn”.

Sau chuỗi nhà máy công nghệ cao, ông đang thực hiện dự án lớn làm hồi sinh cù lao Long Trị từ một vùng đất bị khai tử vì sạt lở. Hỏi ông có quá mạo hiểm khi theo đuổi dự án này, có liên quan gì đến tâm linh? Ông cười thật rạng rỡ: “Nhiều khi các con tôi cũng hỏi: “Cha có tin vào thượng đế không?”

Tôi nói với con: “Cha tin thượng đế, nhưng không bao giờ tin mấy ông cò”. Tôi tin có một thế giới khác sau khi sống. Dự án cù lao Long Trị tôi mua và đổ đá xung quanh để giữ lại, triển khai xây dựng công nghệ dựa trên điện toán đám mây, những thiết bị internet trong vận chuyển thuốc men, vắcxin. Đây là dự án sau cùng của cuộc đời tôi, dính tới điện toán đám mây.

Những buổi chiều muộn tôi thường ngồi ở đầu cù lao không suy nghĩ gì hết, cho cái đầu trống rỗng. Môi trường sông nước yên lặng, bình an. Tôi sẽ xây dựng khu đất mới thành nơi chốn của thiền, cho người ta tịnh tâm mỗi ngày. Tôi thường chia làm bốn góc, cuộc đời tốt, hạnh phúc, tiện nghi và có ý nghĩa. Cuộc đời tốt vì có chuyện làm mình tốt, hạnh phúc vì có ước mơ, hy vọng đất nước văn minh hơn, hy vọng con cái sẽ trở thành người tốt, biết lo lắng cho cộng đồng. Năm nay tôi 60 tuổi, nhưng vẫn còn rất nhiều ước mơ, đó là hạnh phúc”.

Để giữ được khả năng sáng tạo không ngừng

Theo ông, phải chủ động, tạo dựng một đội ngũ kế thừa. “Nhiều thứ vượt quá khả năng của tôi, càng ngày càng lớn tuổi tôi biết hành trình càng ngắn lại, làm sao cho giá trị tốt hơn, thời gian chất lượng hơn. Hồi trẻ lúc nào cũng muốn làm gì phải làm được ngay. Giờ tôi mới ngộ ra... muốn nhanh thì phải từ từ, càng nghĩ càng thấm. Bà xã nói mình đủ rồi sao anh làm hoài vậy? Bây giờ mình còn sức, còn thích sáng tạo thì còn làm. Còn tới lúc không thích sáng tạo nữa thì chỉ đợi chết thôi.

Mấy đứa con tôi rất khổ vì cái bóng người cha lớn quá, muốn vượt qua cái bóng cha để chứng minh mình rất vất vả, nhất là thằng con út. Cháu luôn muốn giỏi hơn cha. Các con tôi ngay từ nhỏ đã học rất giỏi, tự đi kiếm tiền không cần cha mẹ. Công việc đầu tiên con làm ở công ty tôi bên Canada là chùi computer, dọn dẹp, được trả lương 29 USD một ngày. Cái tôi để lại cho con là giá trị lao động, tự làm bằng sức mình.

Tôi không để lại cơ nghiệp cho con mình, các cháu có cơ nghiệp hết rồi, kêu các cháu cũng không về. Tôi có một đội ngũ người kế nghiệp. Nhân viên tôi có nhiều em giỏi lắm, ở bên tôi nhiều hơn cha mẹ. Quan hệ hàng ngày với nhân viên còn lớn hơn quan hệ máu mủ, họ hiểu mình nhiều hơn con cái mình”.