Nông dân còn thờ ơ
Bà Nguyễn Thị Thơm- Chuyên viên Ban Xã hội - Dân số - Gia đình (XH-DS-GĐ) cho biết, theo số liệu điều tra của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, thời gian qua có đến 67% lao động nông nghiệp trên cả nước không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc với hóa chất dùng trong nông nghiệp hoặc sử dụng nhưng không đảm bảo; có đến 80% số người sử dụng hóa chất vứt bỏ chai, lọ, bao bì đựng ngoài đồng ruộng hoặc không quan tâm thu gom để xử lý.
Ông Lý Văn Trầm dùng xe chở đồ vật nặng ra đồng. |
Ngoài ra, do nhận thức còn hạn chế nên còn một tỷ lệ lớn nông dân không quan tâm đến an toàn sử dụng điện, thiết bị điện; rất nhiều nông dân đã tháo bỏ các bộ phận bảo vệ an toàn vốn có trên các thiết bị máy móc sử dụng trong nông nghiệp. “Lý do là vì họ cho rằng nó vướng víu, khó cho việc sửa chữa, bảo dưỡng”- bà Thơm nói.
Ngoài ra, còn rất nhiều nguy cơ khác ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, những người xung quanh và môi trường sống. Tham gia hội thảo, ông Hà Văn Lang (thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) thừa nhận thực tế này. Ông nói: “Lâu nay, nông dân làm theo tập quán, tự phát, ví dụ như trong sử dụng điện có khi không bọc dây đường điện nhà, kéo điện ra ruộng diệt chuột dẫn đến chết người, khi sử dụng thuốc sâu, thuốc cỏ thì vứt bao bì, chai lọ bừa bãi trên đồng ruộng, ít khi quan tâm kiểm tra các thiết bị nên khi vận hành lại xảy ra hỏng hóc, tai nạn…”.
Trong năm 2012, ở xã Nhơn Lộc cũng xảy ra nhiều trường hợp tai nạn lao động trên đồng ruộng. Người dân nghèo khó nên chữa bệnh cũng không tới nơi tới chốn, mất sức lao động nên tăng hộ nghèo, hộ khó khăn.
Cần cải thiện điều kiện làm việc
Bà Lê Thị Kim Mai - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định cho biết, qua thời gian gần 6 tháng phát động thực hiện chương trình phát huy tình làng nghĩa xóm để cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp (WIND), đến nay đông đảo nông dân các địa phương trong tỉnh đã hưởng ứng tích cực, qua đó từng bước làm giảm tai nạn, rủi ro trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Ông Lý Văn Trầm (73 tuổi), lão nông tri điền ở thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn chia sẻ: “Được học kiến thức về an toàn lao động, tôi về thực hành ngay những việc có thể làm. Đó là những việc mà tôi có ý định làm nhưng còn lần lữa, như sắp xếp cố định chỗ để vật dụng, nông cụ; làm ngay một chiếc xe đẩy bằng vật liệu có sẵn trong nhà để chuyên chở vật nặng và chú ý đến nước uống, giải khát tại nơi làm việc đồng áng”.
Còn bà Phạm Thị Bích Ngọc ở thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi cho hay, bà đã làm ngay một thùng đựng chai, lọ, bao bì thuốc trừ sâu trong vườn nhà, sau khi sử dụng không vứt bừa bãi nữa. Trong nhà bà cũng đã trang bị một tủ thuốc y tế gia đình với các dụng cụ y tế thông thường, có ghi nhãn hiệu, liều dùng để phục vụ cho người nhà được thuận tiện.
Đào Minh Trung