Tết này sang tuổi 68, tính sơ sơ, ông Bình SVC đã trải qua khoảng chục nghề. Sau 1975, ông vào ngành công an, rồi chuyển sang làm thương nghiệp. Ðược mấy năm, ông dứt áo ra làm tư nhân, mở phòng tối chụp rửa ảnh. Tiếp đến, ông trồng hoa, cây kiểng để bán; rồi nhận thầu làm non bộ, hoa viên,... Ở tuổi 50, ông rẽ ngang nghiệp “gáo dừa” bằng việc mở Doanh nghiệp Mỹ nghệ Bình SVC.
Nghệ nhân, kỷ lục gia Phạm Hồng Bình. Ảnh: I.T
Ông rong rảo đi mua gom vỏ gáo dừa (sọ dừa) khô, đem về đập vỡ ra từng mảnh, rồi ghép lại thành những bức tranh đằm thắm. Tiếp đến là làm những chiếc đèn bàn, đèn ngủ, bình trang trí, bình cắm hoa,… đủ kiểu dáng.
Nhiều vật dụng như bàn, ghế, giường, tủ, bình rượu, “gạch” lát nền,… được ốp hoa văn gáo dừa, trông rất lạ mắt. Gáo dừa còn được ông gắn lên mô tô, mũ bảo hiểm, làm cả một du thuyền để đặt tại trụ sở Công ty Du lịch Lạc Hồng của con trai ông.
Ðể thu hút du khách đến Phú Yên, ông Bình đem gáo dừa làm thành những tác phẩm quy mô lớn và liên tiếp được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục lớn nhất làm bằng gáo dừa: Chiếc bình hoa “Huyền sử đời Hùng” (cao 3,62m, thực hiện năm 2005); Chiếc đèn bàn “Nguồn sáng Việt” (cao 6,2m, làm năm 2006); Con chim yến “Biển gọi” (dài 4,5m, năm 2007; Con cá ngừ đại dương (năm 2014)...
Kỳ rồi, cơ quan chức năng đề nghị ông làm đơn xin xét công nhận Nghệ nhân Ưu tú. Ông từ chối với lý do: “Tôi làm dòng sản phẩm gáo dừa là để mưu sinh và quảng bá du lịch. Mình thấy cần phải trả món nợ ân tình với quê hương”.
Gần tuổi 70, ông Bình bắt đầu giao hầu hết công việc làm ăn cho hai đứa con, để mình thong thả… chơi. Cuộc chơi mới của ông là cùng con trai nghiên cứu sản xuất hàng loạt canô, môtô nước, thuyền kayak bằng vật liệu composite, bên ngoài phủ gáo dừa. Ðó là cơ sở để ông tiến tới thành lập Ðội cứu hộ tư nhân Sông Ba và kinh doanh du ngoạn sông nước. Bên cạnh đó, ông dành riêng cho mình một chiếc môtô nước để lái đi chơi đó đây trên dòng sông quê nhà.