Trong đó, vai trò của ngành khuyến nông với chăn nuôi là không thể thiếu. PV đã phỏng vấn bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xung quanh vấn đề này.
Thưa bà, vai trò của khuyến nông đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng trong những năm qua ngày càng quan trọng. Trong năm 2015, ngành khuyến nông đã có những hoạt động gì để thúc đẩy sự phát triển của chăn nuôi?
- Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NNPTNT, trong đó có tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng như hệ thống khuyến nông cả nước đã tham gia vào các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của ngành. Ðó là xây dựng các mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, tư vấn dịch vụ khuyến nông cả đầu vào và đầu ra.
Trang trại nuôi gà sạch ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
Trong đó, chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ cụ thể đó là tái cơ cấu giống vật nuôi thông qua việc triển khai rất nhiều mô hình như mô hình thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Tại đây, chúng tôi đã đưa mô hình chăn nuôi lợn và thụ tinh nhân tạo cho lợn, đưa các con lợn đực giống tốt, chất lượng vào để cải tạo đàn giống lợn của các địa phương. Chúng tôi cũng đưa thêm giống vịt biển 15 vào sản xuất…
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tái cơ cấu về phương thức chăn nuôi, chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, bán trang trại. Thông qua các mô hình khuyến nông, chúng tôi đưa vào các kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi an toàn sinh học, phối trộn thức ăn, làm sao để bà con tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, giám giá thành đầu vào.
Ðược biết, trong năm qua ngành khuyến nông đã tổ chức nhiều mô hình đào tạo, tập huấn về chăn nuôi; đặc biệt là các diễn đàn khuyến nông. Những hoạt động này đã mang lại kết quả ra sao, thưa bà?
- Trong năm qua, chúng tôi đã tổ chức hàng loạt các diễn đàn, cụ thể như Diễn đàn về “Phát triển chăn nuôi đại gia súc an toàn bền vững” tại Yên Bái; Diễn đàn về nuôi ong mật hướng tới xuất khẩu ở Quảng Nam.Về vấn đề đào tạo huấn luyện, chúng tôi cũng đã tổ chức các lớp đào tạo thông qua các mô hình khuyến nông, không chỉ bà con trong mô hình được đào tạo tập huấn, mà cả những người ngoài mô hình cũng được đào tạo, tập huấn để có khả năng nhân rộng các mô hình.
Như bà vừa nói, một hoạt động mới của khuyến nông hiện nay đó là tư vấn dịch vụ khuyến nông đầu vào và đầu ra. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về hoạt động tư vấn này?
- Trước tiên, chúng tôi thực hiện tư vấn dịch vụ đầu vào như về con giống vật nuôi. Ðồng thời, phối hợp với Cục Chăn nuôi để tư vấn cho người dân các cơ sở cung cấp giống có chất lượng, được phép cung cấp con giống cho người dân. Ðối với dịch vụ đầu ra, chúng tôi cũng đánh giá là mắt xích vô cùng quan trọng trong chuỗi. Chúng tôi cũng khuyến cáo người nông dân muốn tham gia vào sản xuất chuỗi của doanh nghiệp, thì phải đáp ứng và tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình của chuỗi đó như yêu cầu về kỹ thuật, thức ăn, thú y an toàn sinh học trong chăn nuôi, mới có thể tham gia vào chuỗi của doanh nghiệp.
Bước sang năm 2016 và giai đoạn 5 năm, từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp nước ta sẽ hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là việc tham gia vào Hiệp định TPP. Trước bối cảnh đó, khuyến nông sẽ có những đổi mới như thế nào cả về phương thức hoạt động, cũng như cách thức xây dựng mô hình?
- Khi gia nhập vào TPP, chăn nuôi sẽ là một trong những ngành hàng chịu tác động mạnh nhất của ngành nông nghiệp. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, nên sản phẩm chăn nuôi của chúng ta không đồng đều, đặc biệt là vấn đề an toàn về sinh thực phẩm. Bởi thế, việc tham gia vào TPP rất là khó khăn cho người chăn nuôi nhỏ lẻ khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.
Chúng tôi xác định, vấn đề an toàn thực phẩm là quan trọng nhất và muốn vậy phải tạo ra chuỗi chăn nuôi sạch, sản phẩm đồng đều. Bà Hạ Thúy Hạnh |
Do đó, chúng tôi xác định, an toàn thực phẩm là khâu then chốt, quan trọng và muốn đảm bảo được thì phải tạo ra được chuỗi chăn nuôi sạch, sản phẩm đồng đều. Khát vọng của chính tôi là xây dựng thành công các chuỗi chăn nuôi sạch và được phổ biến rộng rãi. Vì thế, sau khi tham gia TPP, chúng tôi đã có kế hoạch đào tạo, huấn luyện cho người dân chăn nuôi hiểu thế nào là TPP, thế nào là lợi thế cạnh tranh, trách nhiệm của người chăn nuôi thế nào?.
Ðể thực hiện được các mục tiêu trên, ngành khuyến nông có kiến nghị gì với các cơ quan T.Ư, cũng như các địa phương nhằm thực hiện tốt tái cơ cấu chăn nuôi?
- Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hoạt động khuyến nông nói chung, đặc biệt là các khu vực vùng 30a, vùng núi. Thời gian tới, chúng tôi cũng cần đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế về khuyến nông chăn nuôi, nhất là chương trình phát triển chăn nuôi chống biến đổi khí hậu. Mặt khác, chúng tôi cũng mong các địa phương hỗ trợ vốn để nhân rộng các mô hình khuyến nông T.Ư.
Nhân dịp Xuân Bính Thân 2016, chúng tôi cũng xin cảm ơn các nhà khoa học, các cơ quan báo chí, Báo NTNN trong suốt giai đoạn vừa qua đã có sự phối hợp, hợp tác rất tốt với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong các hoạt động tư vấn, đào tạo huấn luyện và thông tin tuyên truyền về khuyến nông.
Xin cảm ơn bà!