Dân Việt

Bếp Việt nuôi quân

Nhà sử học Lê Văn Lan 14/02/2016 10:58 GMT+7
Bếp Việt ở thời nguyên thủy một vạn năm về trước đã được phát hiện trong di chỉ hang động của văn hóa khảo cổ học sơ kỳ thời đại đá mới “Hòa Bình”.

Ðó là 3 hòn đá, xếp chụm kiểu chân vạc có dấu tích tro than ở dưới nền và chung quanh, giống như sự sắp đặt 3 “ông đầu rau” bằng đất nung ở thời gian về sau. Có nghĩa là: Bếp đã dùng cách đốt cháy thực vật để tạo nhiệt lượng mà làm chín thức ăn, ở dạng tĩnh lại.

Lúc bấy giờ chưa có chiến tranh chống ngoại xâm. Cho nên giá trị một vạn năm của dạng bếp nguyên thủy này là: Tạo tiền đề, và truyền thống, cho các dụng công ở thời đại sau cải tiến, chuyển hóa các công năng, phương tiện, quy trình của bếp và việc làm bếp – bao gồm các khâu (công đoạn): Thiết kế bếp, vận hành bếp (lấy lửa, sử dụng nguyên vật liệu để tạo nhiệt, thực hiện các cách chế biến…) và làm ra các sản phẩm hữu dụng - thức ăn - ở trong và phục vụ thời chiến.

img

Tranh của Hoàng Phượng Vỹ.

Tại nhiều hội làng ngày xuân, cho đến đầu thế kỷ 20, vẫn thấy giữ được tục lệ thổi cơm thi. Mở đầu các cuộc thi này, thường có việc nhóm lửa và giữ lửa. Những sợi lạt nhờ sự bền bỉ và khéo léo, co kéo liên tục để cọ xát vào những ống giang có vỏ thô ráp mà tạo ra những tia lửa. Những túm cỏ khô tiếp nhanh lấy những tia lửa ấy, truyền vào những chiếc bùi nhùi bằng rơm bện.

Ðó là phương tiện giữ lửa. Nguồn lửa ấy được nhóm vào những bó tre nứa, thành nhiệt năng trong tay người cầm đuốc, vừa chạy theo một quang gánh treo lơ lửng chiếc nồi đất chứa sẵn gạo và nước trên vai một người khác đang rảo những bước đi thẳng đi vòng. Người cầm đuốc dúi và giữ ngọn lửa đầu bó đuốc luôn sát đáy chiếc nồi đang đung đưa, chuyển động, sao cho trong một thời gian di chuyển ngắn nhất nồi gạo và nước ấy chín được thành cơm.

Cung cách làm bếp thổi cơm di động như thế này thường được giải thích về nguyên thủy, là một kiểu thức cung ứng lương thực cho những cuộc đi trận ngày xưa, vừa hành quân đánh giặc, vừa tiến hành việc hậu cần, tạo quân lương.

Rõ ràng, đây là một hình ảnh (ảnh xạ) của bếp Việt, chuyển hóa việc thổi cơm tĩnh tại ở các gia đình cổ truyền thành phương thức phục vụ công cuộc nuôi quân đi chiến đấu. Nhiều người còn đem gắn hình ảnh và kỹ thuật thổi cơm bằng “bếp di động” này vào những giai thoại về các cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, để cụ thể hóa và lịch sử hóa sự đóng góp của hình thức bếp Việt này vào sự nghiệp giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc thời Quang Trung Nguyễn Huệ.

Cũng thế, một loạt thức (món) ăn dân tộc, dạng ăn nguội hoặc làm “lương khô” đã được cho là sản phẩm của bếp Việt, dùng cho và trong những trận đi đánh giặc Ngô của Bà Triệu.

“Chè Lam Phủ Quảng” của Thanh Hóa nói riêng, “bánh khảo – chè lam” ở nhiều nơi nói chung, chính là một thứ lương khô mang theo quân ngũ lúc đi trận, đầu tiên là của/và ở thời Bà Triệu như thế. Tại các vùng có lễ hội tưởng niệm và tôn vinh người nữ anh hùng dân tộc này, bột gạo trộn cùng các loại đường – mật, làm nên những chiếc bánh gói lá, hoặc để trần ở dạng quen được gọi chung là “bánh trôi – bánh chay”, chủ yếu là để ăn nguội (ăn theo tục kiêng đốt lửa, để tránh những kỷ niệm hồi cố hoặc thực tế dữ dội về khói lửa chiến tranh) cũng được coi là những sản phẩm (đặc sản) của bếp Việt, ở và phục vụ thời và cuộc chiến, đầu tiên là lúc Bà Triệu đánh quân Ngô xâm lược, tiếp sau là của các tướng và quân khác.

Trong khi “bỏng” (gạo hoặc ngô rang) được đem gắn vào/cùng cung cách tạo quân lương ở và từ thời đánh giặc còn xa xưa hơn thế nữa – là thời Hai Bà Trưng – thì các loại bánh đa (bánh tráng) nướng, với lời ví von rất hay về công dụng đa năng: “Nắng che, nóng quạt, đói ăn”, cũng được xem là một thứ “lương khô” từ bếp Việt, cung ứng cho nghĩa quân Tây Sơn, hoặc các đạo quân và trận đánh khác vô cùng nhiều trong lịch sử giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc.

 Để cho đến bây giờ, sẵn sàng công cuộc giữ nước song song cùng dựng nước, bếp Việt đã thành/và có được/ một lực lượng chuyên hóa (chuyên nghiệp) và chính quy (hiện đại), lợi hại và tinh tường của hậu cần quân đội, nhưng vẫn không lơ là, sao nhãng việc kế thừa, vận dụng, phát huy các giá trị, thành tựu và kinh nghiệm của bếp Việt cổ truyền thời quá khứ của dân tộc.

Ở những thời quá khứ phải đánh giặc liên miên ấy, thời bình và thời chiến chen trộn, nên “7 nong cơm, 3 nong cà” huyền thoại mà Thánh Gióng đã ăn để liền đó, vụt trở thành người khổng lồ, đánh tan giặc Ân  - những thức ăn của bếp Việt như thế dùng cho đời sống thường ngày của người dân Việt, cũng là nhất thể với quân lương cung ứng cho quân đội và chiến tranh. Cho nên, đến và trong chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ, “56 ngày đêm cơm vắt ngủ hầm”, truyền thống ấy vẫn được kế tục và phát huy.

Tuy nhiên, sang thời đại mới, bếp Việt vẫn cần/và có những chuyển mình và sáng tạo cơ bản, để thích ứng. “Bếp Hoàng Cầm” là một ví dụ điển hình cho sự sáng tạo ấy, khi phải đối phó với máy bay trinh sát của địch  trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, hoặc khi phải hành quân theo phương thức”đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” ở thời kháng chiến chống Mỹ.

Ðể cho đến bây giờ, sẵn sàng công cuộc giữ nước song song cùng dựng nước, bếp Việt đã thành/và có được/ một lực lượng chuyên hóa (chuyên nghiệp) và chính quy (hiện đại), lợi hại và tinh tường của hậu cần quân đội, nhưng vẫn không lơ là, sao nhãng việc kế thừa, vận dụng, phát huy các giá trị, thành tựu và kinh nghiệm của bếp Việt cổ truyền thời quá khứ của dân tộc. Những vườn rau tươi mọc lên trên đá đảo ngoài Trường Sa vẫn đang là phương thức hiện đại của bếp Việt mà nuôi quân ta, bảo vệ biển đảo quê hương chống ngoại xâm. Câu hát rừng Trường Sơn thời chống Mỹ: “Hết rau rồi, em có lấy măng không” chỉ còn là kỷ niệm.