Hồi còn trẻ, tôi lên miền núi dạy học, ở trọ nhà một người Mường vào loại giàu có, trâu dê cả đàn, nhà sàn mênh mông đầu nhà không nhìn rõ mặt người đứng cuối. Cứ sáng dậy đã có sẵn hông xôi treo cạnh bếp, xôi gạo nếp nương lẫn chuối mỏ giang chín dở, ăn no không chán và có thể ăn suốt ngày mà không nóng ruột. Ông có cả một vạt nương gieo lúa nếp để ăn quanh năm, còn ruộng phần trăm rồi vỡ thêm chuyên cấy nếp mùn (hạt tím) để ngâm rượu hoẵng.
Ăn tết rất to, rằm tháng Giêng còn mổ thêm lợn tạ để vừa hạ cây nêu vừa muối chua ăn dần. Nhìn vựa lúa cum, ngô túm treo lủng lẳng, đếm số người tôi nghĩ ăn đến vụ chiêm chưa hết. Vậy mà hết. Là vì nhà ông luôn luôn có khách, gọi là ti thìm ăn (đi tìm ăn) từ quanh xóm sang, từ xã khác huyện khác đến. Tục lệ người Mường không bao giờ vay mượn, thiếu ăn thì tìm đến nhà họ hàng, xa mấy cũng được, miễn là có họ.
Sau một năm cùng ăn ở nhà ông này, tôi phát hiện thêm, cách ăn cái bếp của người Kinh giống Mường còn hơn cả ngữ dụng: Có đến đâu hay đến đấy, có câu mưa lúc nào mát mặt lúc ấy, ăn bữa nay không biết lo bữa mai. Nhưng người Việt đã ít nhiều đổi thay do hoàn cảnh. Khi cái ăn thiếu đói liên miên, người ta hè nhau cười chê kẻ biếng nhác ăn rình ăn chực, thậm chí có những kiểu cười giễu rất phi nhân tính như chuyện về 5 miếng dồi lợn (cho nó khỏi lẻ đàn). Như thế, càng tiến về văn minh, người Việt càng sinh tật. Ðầu tiên thêm bước vay mượn rồi sau đó là vay một thùng (12kg) thóc trả (lãi) thành thùng rưỡi, bán thóc non hay thậm chí bán lúa non thì coi như người nghèo mất trắng công của tự nhiên đóng góp vào giá thành lúa gạo là nước, khí trời, nắng quang hợp và đạm từ trời mưa. Một cái tật điển hình là lừa đảo, trộm cắp, dựa bắp cày ăn cỏ non thực ra là biến thái của lối “ti thìm ăn” xưa kia mà thôi.
Càng xa rừng, đồ thổi nấu càng khan, người Việt đun nấu bằng rơm rạ, hiếm hoi hơn là cành tre lá cây nhặt nhạnh quanh vườn. Thay vì vần nồi cơm quanh lửa đến chín, người Việt vùi nó dưới tro nóng. Từ “văn minh” này người ta đã đi những bước dài trong việc biến sản phẩm phụ (rơm rạ, cây lõi bắp ngô, lõi cây đay, chổi cùn rế rách…) thành ra một thứ phân tro giàu kali tốt nhất cho các loại củ quả. Nhưng trước hết, nó chi phối kiểu bếp của người Việt: Vì là vật nhanh bén lửa, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nhà với bếp lại cũng phần nhiều lợp rạ, nên bếp thường phải xa nhà, thường cách nhà cái bể nước mưa cho thêm an toàn và đầu hồi kia thì cạnh cầu ao. Ðây là cung cách khác về căn bản giữa nhà một người Việt với nhà một người Mường. Người có mắt phong thủy, thường đặt bếp ở hướng để nói dại, có cháy lửa cũng khó bén lên nhà trên vì ngược gió.
Bếp nhà người Việt khá giả lại khác cơ bản với nhà nghèo kiết. Nhà nghèo kiếm được gì ăn luôn nấy, có câu nhà nghèo nổi lửa suốt ngày, nhà có chỉ nổi ba bận. Nhà nghèo bếp thường rếch rác, dễ bốc cháy vì thổi nấu xong đàn bà chỉ nghĩ việc trước mắt bưng lên cho bố con nó ăn đã mệt đứt hơi, vì phải đi mò cua bắt ốc, chạy chợ nọ chợ kia suốt từ mơ sớm. Nhiều nhà nghèo quanh năm gà dãi bếp, vì chỉ cần một sợi rơm có hạt thóc lép vương trên đống tro, đủ cho gà gọi nhau bới tung cả đống tro bếp. Bếp nhà giàu ngăn nắp, sạch sẽ. Có ô ngăn rơm rạ tách biệt với nền, thường đắp bằng đất nhưng có khi xây gạch hẳn hoi; bên dưới để trấu. Mỗi bữa nấu xong, thường ủ trấu vào đống tro nóng; lửa than bắt vào trấu, cháy âm ỉ thâu đêm. Sáng sớm dậy nấu ăn, chỉ cần lấy lửa từ đó, thổi nấu rất nhanh và ăn cũng ngon hơn vì bếp lúc nào cũng có nhiệt.
Chuyện Táo quân (Vua Bếp) bây giờ thành ra một thể tài sân khấu nói chuyện ngoài xã hội, chứ khởi thủy nó là phép dạy con gái con dâu của các bà mẹ làm bếp. Họ dạy, đun nấu không được ăn vụng, không được để trấu tro rơi vãi vào cơm canh, nấu ăn xong phải quét dọn sạch sẽ để gà khỏi dãi, để rạ rơm không bén lửa; không thế là phải tội đấy. Táo quân, tức là ba ông bà đầu rau nặn đất hay làm kiềng cũng vậy; cứ ngày hăm ba tháng Chạp cưỡi cá chép lên chầu Giời, lệ cúng cá chép là do đấy. Bao nhiêu tội vạ mà con làm trong một năm, Giời sẽ biết được cả và sẽ trị tội.
Chỉ cần ngẫm nghĩ xung quanh câu chuyện Táo quân, ta biết người xưa đã quy mọi việc hay dở của một người một nhà vào cái bếp là rất có căn cứ cơ sở. Vì như tôi vừa kể, giàu nghèo, chịu khó nền nếp hay buông quăng bỏ vãi, hiếu đễ hay dối dả với mẹ cha anh chị em trong nhà, chồng con được chăm chút săn sóc hay mặc kệ cơm sống canh nguội đều chỉ cần qua cái bếp, hay chỉ cần qua mâm cơm dọn lên là đủ thấy hết cả như chuyện kén dâu của ông kia còn cho thấy cả một nếp suy nghĩ, sự thông minh hóm hỉnh và tài đảm của cô gái chỉ qua một bữa ăn.
*
* *
Bây giờ xã hội đổi thay, kén người yêu hay con dâu chỉ cần chân dài hoa hậu, chuyện ấy tôi không dám bàn.
Nhiều nhà nghèo quanh năm gà dãi bếp, vì chỉ cần một sợi rơm có hạt thóc lép vương trên đống tro, đủ cho gà gọi nhau bới tung cả đống tro bếp. Bếp nhà giàu ngăn nắp, sạch sẽ. Có ô ngăn rơm rạ tách biệt với nền, thường đắp bằng đất nhưng có khi xây gạch hẳn hoi; bên dưới để trấu. Mỗi bữa nấu xong, thường ủ trấu, lửa than bắt vào trấu, cháy âm ỷ thâu đêm. |
Chỉ dám đặt nhời vào chỗ lớp người có con dâu, con gái nhớn mà thưa: Từ một nếp nhà căn cơ, mới ra được loại người có nhân cách tự trọng – là điều tối thượng cần của xã hội hôm nay. Nếu không tằn tiện thì miệng ăn núi lở, sẽ luôn phải xõ xẹo vay mượn, sẽ không được mọi người tôn trọng. Có câu, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Câu chuyện một tiền sắm đủ một bữa ăn chính là tài năng người đàn bà sẽ gánh cả cơ nghiệp sự nghiệp nhà chồng.
Thời mới có câu: Tình yêu người đàn ông đi qua cái dạ dày, hẳn chị em còn thấu tỏ hơn tôi là nếu mình không sinh ra từ một ngôi nhà căn cơ, được răn dạy từ bé cách nấu các món (dù nấu bằng bếp rạ hay bếp gas bếp củi đều thế) thì hoặc thành kẻ chèo kéo chồng con người, hoặc mất chồng con vào tay kẻ khác. Là vì nghĩ cho cùng, làm người ai cũng muốn ăn ngon, thèm ăn ngon. Nói đổ sông đổ bể, từ cái bếp có thể khiến một người đàn ông trở nên tử tế lên hay từ tử tế mà ra phải ăn cơm tù vì lo kiếm tiền mua nhà cho vợ bé.
Nếu chồng chị làm quan to, hãy săn sóc miếng ăn cho anh ấy sao cho một bữa cơm xa nhà đã thấy nhớ nhung đến khó chịu. Thay vì khoe chồng mình mới sắm thêm chiếc váy áo hàng hiệu của Ý, của Nhật thì hãy luôn thông báo với anh ấy rằng mình đã để dành được bao nhiêu, gần đủ cho con gái con trai tiền du học Anh, Mỹ. Nói các chị đừng giận, chị ngoài bốn mươi, kể cả bụng chưa có mỡ mà chị đua mỹ phẩm váy áo với các cô nàng mười chín đôi mươi đâu cho được? Hãy đua bằng chính phẩm giá của mình, tình yêu và sự tất cả cho con cháu mình; thử xem!
Tôi không dám cá cược rằng, chị làm đúng như tôi nói thì một trăm phần trăm các ông chồng làm to đều trở nên tử tế; nhưng tôi biết chắc, nhiều chị em như thế thì xã hội tử tế hơn. Tử tế trước hết bởi khả năng tích lũy cho lâu dài con cháu, để người Việt tránh được câu “Không ai giầu ba họ” cứ như là bị yểm. Vâng, tằn tiện giúp nhà anh bạn tôi trở nên khá giả; cả giới đàn bà Việt tằn tiện thì cấm xã hội ta giầu nó vẫn cứ giầu.